CHỮA BỆNH QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO TÂY TẠNG


CHỮA BỆNH QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO TÂY TẠNG
 
Ven. Pende Hawter - Việt dịch : Mỹ Thanh
 
Phần 1

Chữa bệnh là gì ? Chúng ta hiểu gì về chữa bệnh ? Có phải chúng ta nói chữa bệnh về thân, chữa bệnh về tâm lý/tâm hồn/tâm thức, hoặc cả thân lẫn tâm. Sự liên quan giữa thân và tâm là gì ?

Vô số kỹ thuật chữa bệnh hiện đại được xem là cách chữa trị hữu hiệu cho căn bệnh của thân thể, những triệu chứng của ung thư, AIDS, bệnh mệt mỏi kinh niên, hoặc những chứng bệnh khác. Nếu một người không hết bệnh, hoặc bệnh tình tái đi diễn lại hoặc phát tác sau một thời gian, điều nầy được xem như là cách chữa bệnh đã thất bại.

Trong trường hợp nầy, việc này cũng rất thường xảy ra, đối với y sĩ hoặc nhà thương chăm sóc cho « bệnh nhân » hay cho rằng bệnh nhân đã làm điều gì đó sai lầm, bệnh nhân đã không tuân theo chỉ dẫn một cách nghiêm khắc, như kiêng ăn hoặc không thiền định đủ hoặc làm điều gì khác mà không tuân theo lời khuyên của y sĩ, nhà thương. Trong những trường hợp nầy, y sĩ, nhà thương đều bó tay, hết hy vọng. Để tránh các vấn đề nầy, chúng ta cần xem xét và cần có một quan điểm chữa bệnh bao hàm toàn diện, không những chỉ chữa bệnh nơi thân mà còn chữa luôn bệnh nơi tâm.

Tâm thức là Người Sáng Tạo

Để am hiểu việc chữa bệnh từ quan điểm của Phật giáo, điểm khởi đầu có ích là hãy xem xét quan niệm của Phật giáo về tâm thức. Tâm thức là một thứ không có hình thể. Nó không có hình dạng, không có màu sắc, không có giới tính và nó có khả năng nhận dạng hoặc hiểu biết. Cơ sở bản chất của tâm thức là trong sạch, không giới hạn và lan tỏa khắp nơi, giống như mặt trời chiếu rọi trong bầu trời quang đãng không gặp chướng ngại nào. Vấn đề hoặc bệnh tật mà chúng ta trải nghiệm giống như mây che phủ mặt trời. Y như đám mây lâu lâu che phủ mặt trời nhưng không cùng bản chất của mặt trời, bệnh tật và các vấn đề của chúng ta là tạm thời và nguyên nhân của nó có thể được tẩy rửa nơi tâm thức.

Từ quan điểm Phật giáo, tâm thức là kẻ sáng tạo bệnh tật và sức khỏe.  Thật vậy, tin rằng tâm thức là kẻ sáng tạo tất cả các vấn đề của chúng ta. Và như vậy, nguyên nhân căn bệnh là ở nơi nội tại. Tiềm năng thật là vô hạn ! Có lẽ anh đã quen thuộc với quan niệm về nghiệp, nghĩa là hành động. Tất cả các hành động của chúng ta đều để lại dấu ấn trong dòng tâm thức và có khả năng chín muồi vào lúc nào đó trong tương lai.

Tất cả những hành động nầy đều có tính cách tích cực, tiêu cực hoặc trung dung. Những hạt giống nghiệp không khi nào bị đánh mất. Những hạt giống tiêu cực có thể chính muồi bất cứ lúc nào dưới dạng tiến trình của bệnh tật ; những hạt giống tích cực hình thành dưới dạng của sự sung sướng, sức khỏe hoặc thành công.

Để chữa căn bệnh hiện tại, chúng ta phải tiến hành những hoạt động tích cực ngay bây giờ. Để ngăn ngừa bệnh hoạn xảy ra trong tương lai, chúng ta phải thanh tịnh hóa, hoặc giải tỏa, dấu ấn của nghiệp tiêu cực được giữ lại trong dòng tâm thức. Nghiệp là kẻ sáng tạo của tất cả bệnh tật và đau khổ. Nếu chúng ta không có nghiệp tiêu cực, chúng ta sẽ không bị bệnh hoặc bị người khác gia hại. 

Phật giáo xác định rằng tất cả mọi thứ xảy ra cho chúng ta hiện nay là kết quả của những hành động trong quá khứ, không chỉ trong kiếp sống nầy mà trong những kiếp sống khác nữa. Những gì chúng ta làm hiện nay quyết định những gì xảy ra cho chúng ta ở tương lai. Nói về việc chữa bệnh hiện tại đến tương lai, chủ định là chú ý đến hành động của chúng ta hoặc nghiệp. Việc nầy cần có sự chánh niệm liên tục đối với tất cả hành động của thân, miệng, ý. Chúng ta cần phải tránh những hành động mang nguy hại đến cho chính chúng ta và người khác.

Như vậy, Phật giáo là một triết lý về trách nhiệm cá nhân. Chúng ta có khả năng điều khiển lấy vận mạng của mình, bao gồm trạng thái thể chất và tinh thần. Mỗi người trong chúng ta đều có tiềm năng bất tận – Tại sao có những người dễ bị bệnh trong khi các người khác lại luôn khỏe mạnh ? Hãy xem bệnh ung thư da. Tất cả những người phơi nắng hàng giờ dưới ánh mặt trời, một số bệnh ung thư da nhưng số khác lại không sao. Tình trạng bên ngoài đều giống nhau đối với tất cả mọi người, nhưng chỉ có một số người bị bệnh.

Nguyên nhân thứ hai của bệnh ung thư – mặt trời - là nguyên nhân bên ngoài, nhưng nguyên nhân chính là các hành động quá khứ - dấu ấn để lại trong tâm thức là nguyên nhân nội tại. Cũng vậy, tất cả những người bệnh ung thư thường có những phản ứng khác nhau đối với cùng một loại thuốc trị. Một số người thì có thể lành bệnh hoàn toàn. Một số người thì khỏi bệnh chỉ trong một thời gian rồi lại tái phát.

Số người khác thì bệnh trạng nặng lại hơn và qua đời. Như thế, nói một cách hợp lý, ta nên nhìn lại tâm thức để hiểu rõ về nguyên nhân của các kết quả khác nhau. Phật giáo cho rằng để trị dứt căn bệnh, không những chỉ chữa trị căn bệnh bằng thuốc men, hoặc những cách chữa trị khác, mà còn phải trị luôn nguyên nhân gây ra bệnh trạng, nó bắt nguồn từ tâm thức. Nếu chúng ta không chữa trị hay thanh tịnh hóa bản tâm, bệnh hoạn và vấn đề sẽ còn tái diễn hoài hoài. 

Đây giới thiệu sơ về « cách chữa trị cao nhất ». Để dẹp bỏ hết những « rác rưởi » khỏi tâm thức, khi có thể dẹp bỏ tất cả những dấu ấn, hành động, và những ý nghĩ xấu trong quá khứ, chúng ta vĩnh viễn có thể thoát khỏi bệnh hoạn và các vấn đề. Chúng ta có thể đạt được cách chữa bệnh cao nhất – đó là một trạng thái vĩnh viễn với hạnh phúc và sức khỏe khang kiện. Để chữa bệnh cho tâm thức và thân thể, chúng ta phải diệt trừ những ý nghĩa và dấu ấn tiêu cực, và thay thế bằng những dấu ấn, ý nghĩ tốt lành. Kẻ thù nội tại.

Gốc rễ của tất cả bệnh tật và vấn đề của chúng ta là sự ích kỷ, mà chúng ta có thể gọi nó là kẻ thù nội tại. Tính ích kỷ làm cho chúng ta có những hành động tiêu cực, và hành động xấu nầy tạo nên dấu ấn tiêu cực trong dòng chảy của tâm thức.

Những hành động tiêu cực do thân, khẩu hay ý, như những ý nghĩ ganh tỵ, giận dữ và tham lam. Những ý nghĩ ích kỷ làm tăng lòng tự kiêu, và kết quả là có thêm những cảm giác ganh tỵ đối với những người giỏi hơn chúng ta, và làm cho ta có cảm giác tự mãn, kiêu căng đối với những người dở hơn chúng ta, và có tính hay cạnh tranh để đạt cho bằng được điều mình muốn. Tất cả những cảm giác nầy làm cho tâm thức không vui, và bị dao động. Mặt khác, những ý nghĩ và hành  động làm lợi ích cho người khác sẽ đem lại niềm hạnh phúc và an lạc cho tâm.

 

Những chướng ngại xuất hiện từ tâm thức và có thể bị làm mất tác dụng bằng nhiều cách khác nhau. Một phương pháp thường được sử dụng trong Phật giáo Tây Tạng, để dời bỏ những chướng ngại trong cuộc sống, cần phải thực hành pháp phóng sinh. Thí dụ, các thú vật sắp sửa bị làm thịt hoặc bị làm mồi câu được mua về và phóng sanh.

Đối với những người đang bị những chứng bệnh khó chữa, điều quan trọng là thoát khỏi bệnh tật không có nghĩa là anh sẽ sống thọ. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra cái chết, và cái chết có thể đến với bất cứ ai vào bất cứ lúc nào. Không chỉ thuốc thang Tây Tạng nổi tiếng và có hiệu quả. Thông thường là thuốc sử dụng là dược thảo, nhưng yếu tố đặc biệt nhất là quá trình làm thuốc, khi dược thảo được bào chế thì quý thầy tụng kinh và niệm chú, như vậy thuốc có hiệu quả cao hơn.

Người ta cho rằng, dùng dược thảo loại nầy giúp chữa lành căn bệnh, hoặc giả, nếu người bệnh sắp chết, thì họ sẽ ra đi nhanh chóng, một cách thanh thản và không đau đớn. (Một học thuyết dựa trên kinh nghiệm cá nhân, thuốc đắng và khó uống cho nên người bệnh muốn mau bình phục để khỏi phải uống hoài loại thuốc nầy !)

Thuốc và nước được chúc phúc lành và sử dụng một cách rộng rãi. Tâm linh càng phát triển nơi một người thì sự chúc phúc và thực tập chữa bệnh càng có hiệu quả mạnh mẽ.  Những viên thuốc nầy thường chứa đựng những di vật của các vị thiền sư, và thánh nhân nổi tiếng và sức mạnh được ban cho các viên thuốc đó., Vô số Lạt-ma Tây Tạng đã thổi hơi vào chỗ đau trên thân thể để làm giảm cơn đau hoặc để chữa lành vết thương.  Tôi đã nhìn thấy một người bệnh AIDS (SIDA) có chân đau, và sau khi vị lạt-ma đã ngồi thiền miên mật và thổi vào chân anh trong vòng hai mươi phút, sau đó chân anh đã hết đau. 

Lòng từ là năng lực để chữa lành bệnh.

Hình dung hay mường tượng cũng là một cách chữa bệnh mạnh mẽ. Một phương pháp hình dung một ánh sáng tròn như trái banh trên đỉnh đầu, với các tia sáng chiếu soi tất cả phương hướng. Hãy tưởng tượng ánh sáng lan rộng xuyên suốt cơ thể, phân hủy hoàn toàn tất cả các bệnh tật và vấn đề. Chú tâm đến hình ảnh cơ thể hoàn toàn bình phục, trong ánh sáng. Cách thiền nầy được xem có năng lực mạnh mẽ khi sử dụng cùng với sự hình dung về các hình ảnh thiêng liêng và niệm chú.

Tôi thường hay nói với các bệnh nhân Thiên chúa giáo là hãy hình dung ánh sáng như là chúa Jesus, với ánh sánh từ nơi chúa Jesus. Truyền thống Tây Tạng có vô số đức Phật (thần) được mường tượng trong khi niệm chú. Đức Phật Dược Sư ; Chenrezig, hoặc Bố tát Avalokiteshvara (Quán Âm Từ Bi) ; hoặc một trong những vị có thọ mạng lâu dài như đức Phật Amitabha (A Di Đà). Các vị thần có nhiều khía cạnh an lạc, hòa bình hoặc dữ tợn. Các vị dữ thường được sử dụng để chữa những căn bệnh nặng như AIDS (SIDA).

Nếu anh không cảm thấy thoải mái với những hình ảnh nầy, anh có thể sử dụng những vật khác như thủy tinh, hoặc đơn giản hình dung tất cả những năng lượng chữa bệnh phổ thông thấm nhuần vào cơ thể anh, biến đổi thân thể anh trở thành ánh sáng, và hãy tưởng tượng là anh đã hoàn toàn bình phục.

Qua bao thế kỷ vô số người sử dụng các phương pháp nầy và đã bình phục, kể cả những bệnh như phong hủi, tê liệt và ung thư. Mục đích của những thực tập nầy là để chữa lành tâm cũng như thân, để các chứng bệnh và các vấn đề không tái phát trong tương lai. Vô số chứng bệnh có liên quan đến việc tâm linh bị hư hại. Các vị Lạt-ma và các vị tu hành hay đọc những bài kinh và chú hoặc làm lễ cầu nguyện để chấm dứt việc tâm linh bị nguy hại và giúp cho người bệnh được khỏe lại. Một cô gái bảy tuổi bị chứng động kinh  mà tôi quen, chứng động kinh biến mất sau các buổi lễ đọc kinh cầu nguyện.

Bất cứ lúc nào khi cô gái bị cơn động kinh, cô ta đều thấy những hình ảnh ghê rợn tiến về phía cô. Sau các buổi lễ cầu nguyện, các cơn động kinh giảm dần và cô nhìn thấy một bức tường gạch ngăn cách cô và hình ảnh ghê sợ kia. Bức tường nầy là màu sác của chiếc áo tu sĩ. Dần dà các cơn động kinh và hình ảnh đó cùng nhau biến mất. Tóm lại, chúng ta có thể nói những vật dụng cần thiết trong tiến trình chữa bệnh, cho cả người chữa và người bệnh, là sự từ bi, lòng tin và phẩm hạnh đạo đức.

Thay đổi tâm thức

Phương pháp chữa bệnh mạnh mẽ khác trong Phật giáo Tây Tạng là thiền định về những bài pháp được xem là thay đổi suy nghĩ. Những phương pháp nầy giúp cho anh nhận thấy vấn đề hoặc bệnh tật như một điều tích cực nào đó. Một vấn đề chỉ là vấn đề nếu chúng ta gọi nó là vấn đề. Nếu chúng ta nhìn vào một vấn đề một cách khác hẳn, chúng ta có thể thấy đây là một cơ hội để ta trưởng thành hoặc thực tập, và xem nó là một điều tích cực. Chúng ta có thể nghĩ rằng vấn đề nầy đang chính muồi từ nghiệp quá khứ, và sẽ không xuất hiện trong tương lai.

Nếu một người giận ta, ta có thể chọn lựa tức giận lại hoặc là cảm ơn họ đã cho ta cơ hội để thực tập nhẫn nhịn và thanh tịnh hóa cái nghiệp nầy.  Cần phải thực tập rất lâu, rất nhiều để có thể làm chủ những phương pháp nầy, ta có thể làm được. Chỉ là khái niệm của chúng ta thường hay mang lại cho ta sự sợ hãi và đau khổ. Thí dụ, có một số triệu chứng, dấu hiệu nào đó, và bác sĩ đặt tên « AIDS »  hoặc ung thư.

« Cái chết »  là một biệt hiệu khác có thể gây ra nhiều sợ hãi. Nhưng thực tế « cái chết » chỉ là một nhãn hiệu dành cho tình trạng : khi ý thức rời khỏi thân thể, và như vậy không có cái chết thật sự từ phía của nó. Điều nầy cũng liên quan đến khái niệm về « bản ngã » và tất cả những hiện tượng khác. Nó chỉ là những khái niệm và sự hiện hữu độc lập của nó là không thật.

Lạt-ma Zopa Rinpoche, một vị lạt-ma Tây Tạng đã giác ngộ, ngài nói rằng phương pháp chữa bệnh mạnh mẽ nhất, tất cả đều dựa vào từ bi, mong muốn giải thoát những chúng sinh khác khỏi đau khổ. Tâm thức từ bi – yên bình, an lạc, vui vẻ và thư giãn – là môi trường chữa bệnh lý tưởng. Một tâm thức tràn đầy từ bi chấm dứt việc chỉ nghĩ đến tình trạng đau khổ của chính bản thân. Bằng cách nghĩ tới những người khác, chúng ta nhận rõ không phải chỉ nỗi đau riêng của ta mà còn là nỗi đau của tất cả chúng sinh.

Nhiều người cho rằng kỹ thuật sau rất là hiệu quả và mạnh mẽ : Hãy nghĩ « Tôi đang trải nghiệm căn bệnh nầy hoặc nỗi đau hay vấn đề nầy, nguyện cho tất cả các chúng sinh khác trên thế giới đều thoát khỏi bệnh tật, đau đớn và khổ não »  hay « Tôi đang trải nghiệm nỗi đau, căn bệnh, vấn đề nầy thay thế cho tất cả chúng sinh khác. »  Một người tự nguyện nhận lấy nỗi đau thay thế cho tất cả các chúng sinh khác, như chúa Jesus đã chịu nạn trên thánh giá. Kể cả cái chết cũng có thể sử dụng theo phương thức nầy :

« Tôi trải nghiệm cái chết, nguyện cho tất cả các chúng sinh khác thoát khỏi sợ hãi và khó khăn trong tiến trình hấp hối. »  Chúng ta phải tự hỏi « Mục đích cuộc sống của tôi là gì ? Tại sao tôi mong muốn mình có sức khỏe tốt và sống lâu ? »  Mục đích tối hậu của cuộc sống là để làm lợi ích cho chúng sinh. Nếu như chúng ta sống lâu hơn và chỉ tạo ra toàn những nghiệp xấu, tiêu cực, thì cuộc sống thật là vô ý nghĩa.

Cho và nhận cũng là một cách thiền có mãnh lực. Như khi anh hít vào, hãy hình dung là nhận lãnh đau khổ và nguyên nhân đau khổ của tất cả các chúng sinh, dưới dạng một làn khói đen. Khi hít vào làn khói đen, hãy hình dung làm vỡ tảng đá đen ích kỷ nơi tâm, hãy để cho lòng từ bi hiển hiện một cách tự do. Khi anh thở ra, hãy hình dung thở ra ánh sáng trắng mang hạnh phúc, niềm vui và trí tuệ đến các chúng sinh.

Hãy phát triển lòng từ, việc nầy quan trọng hơn là có nhiều bạn, được giàu sang, học thức. Tại sao như vậy ? Bởi vì chỉ có lòng từ bi mới bảo đảm mang lại tâm thức vui vẻ, an lạc, và tâm thức an lạc là tốt nhất để giúp chúng ta vào lúc lâm chung. Chúng ta có thể sử dụng căn bệnh và vấn đề của chúng ta như một phương pháp mạnh mẽ để phát triển tâm linh, kết quả trong việc phát triển lòng từ bi và trí tuệ.

Phát triển cao nhất của các phẩm chất là nhận thức hoàn toàn về tiềm năng của ta, trạng thái giác ngộ hoàn hảo. Sự tỉnh thức mang lại cho ta rất nhiều lợi ích, và cho phép chúng ta giúp đỡ mọi người một cách rộng rãi. Đây là trạng thái cao tột để chữa lành căn bệnh.

http://farm3.static.flickr.com/2301/2412425412_120a99e765.jpg

TẤT CẢ MỌI VẬT ĐỀU XUẤT HIỆN TỪ TÂM THỨC

Lama Thubten Yeshe -Dịch Việt : Mỹ Thanh
Lạt-ma Yeshe thuyết giảng bài nầy ở Đại Học Latrobe, 
Melbourne, Úc, tháng Ba, năm 1975.  Hiệu đính bởi Nicholas Ribush.
 

Có nhiều cấp bậc khác nhau để hiểu về Phật giáo, và những ai thực hành con đường của Phật giáo sẽ tuần tự hiểu về các trình độ đó. Như từ trường tiểu học bước sang đại học ra trường năm nầy sang năm khác, các Phật tử cũng vậy, thực tập từng bước một trên con đường giác ngộ. Tuy nhiên, trong Phật giáo, chúng ta nói đến nhiều trình độ tâm thức ; ở đây, cấp bậc cao và thấp dựa vào sự tiến triển tâm linh của từng cá nhân.

Trong ý nghĩa Tây phương. Phật giáo được xem như một tôn giáo. Đây là một khái niệm sai lầm. Phật giáo hoàn toàn cởi mở ; anh có thể nói về bất cứ điều gì – sự phát triển của thế giới từ bên trong ra đến bên ngoài. Phật giáo có giáo điều và triết lý riêng, Phật giáo cũng khuyến khích những xét nghiệm, trong lẫn ngoài, có tính cách khoa học. Như vậy, đừng nghĩ rằng Phật giáo là một hệ thống hạn hẹp, không cởi mở. Phật giáo không phải vậy. Giáo lý phật giáo hiện nay không phải là sự bịa đặt lịch sử với những suy đoán tưởng tượng, mà là sự giải thích chân thật có tính chất tâm lý về bản chất tự nhiên của tâm thức.

Khi anh nhìn vào thế giới bên ngoài anh có ấn tượng rất mạnh về thực chất của nó. Có lẽ anh không hiểu rằng ấn tượng mạnh mẽ đó chỉ là giải thích của tâm thức mà thôi. Anh nghĩ rằng thực tế rất mạnh mẽ, cứng rắn và thật sự hiện hữu bên ngoài, và khi anh nhìn vào bên trong, có lẽ anh sẽ cảm thấy trống rỗng. Đây là một khái niệm, một thái độ sai lầm, khi nhận thấy ấn tượng mạnh mẽ xuất hiện ở bên ngoài, thật ra nó được phóng ảnh bằng tâm thức của chính anh. Tất cả mọi thứ mà chúng ta trải nghiệm – cảm giác, cảm xúc, hình dạng và màu sắc – đều bắt nguồn từ tâm thức.

Nếu như một sáng nào anh thức dậy với tâm thức mơ màng và thế giới xung quanh anh dường như u ám và đen tối, hoặc khi thế giới tưởng như tuyệt đẹp và sáng rỡ, anh nên hiểu rằng trên căn bản, những ấn tượng đó bắt nguồn từ chính tâm thức của anh hơn là dựa vào sự thay đổi của môi trường xung quanh. Như vậy, thay vì diễn dịch sai lệch bất cứ điều gì anh trải nghiệm trong cuộc sống xuyên qua những thành kiến sai lạc, anh nên hiểu rằng đó không phải là thực tại bên ngoài, chỉ do tâm thức mà hiện hữu.

http://giacngo.vn/UserImages/2010/07/28/1/h1.jpg

Tu viện truyền thống Phật giáo Tây Tạng đầu tiên tại Canada

Thí dụ, khi mọi người trong giảng đường nhìn vào một đối tượng nào đó, như nhìn tôi, Lama Yeshe, mỗi người trong các bạn trải nghiệm việc nầy một cách hoàn toàn khác biệt nhau, kể cả khi cùng một lúc mọi người đều hướng tầm nhìn chung vào một đối tượng. Tất cả những trải nghiệm khác nhau nầy không xuất hiện từ nơi tôi ; nó xuất hiện từ tâm thức của các bạn. Các bạn có thể nghĩ rằng, « Sao ông ta lại có thể nói như thế ? Tất cả chúng ta đều thấy khuôn mặt đó, thân thể đó, quần áo đó, » nhưng đó chỉ là lời giải thích phiến diện, cảm nhận của mỗi cá nhân đều khác biệt, và về phương diện đó thì tất cả các bạn đều khác biệt. Đây là điểm mà tôi muốn nói.

Như vậy chúng ta có thể nghĩ, « Ô, ông ta chỉ là một lạt-ma, tất cả những gì ông ta biết chỉ là tâm thức. Ông không biết gì về những tiến triển mạnh mẽ của khoa học, như vệ tinh nhân tạo và những kỹ thuật hiện đại khác. Làm thế nào ông ta có thể nói tất cả mọi vật đều từ tâm thức. » Nhưng nếu các bạn xét kỹ lại. Khi tôi nói « « vệ tinh » », anh liền có hình ảnh vệ tinh trong tâm thức. Khi vệ tinh đầu tiên được chế tạo, người sáng chế nói,  «Tôi chế tạo ra vật nầy, nó di chuyển theo quỹ đạo trái đất ; vật nầy được gọi là “vệ tinh” ».  Nhưng « vệ tinh » chỉ là một cái tên, đúng không nào ?

Trước đây, người phát minh và sáng chế ra vệ tinh, ông ta đã mường tượng và ước đoán vật ấy từ nơi tâm thức. Như vậy, từ căn bản của hình ảnh nầy, ông ta đã chế tạo ra vệ tinh. Và như thế, tôi nói với mọi người, « Đây là vệ tinh », như vậy mọi người nghĩ, « Ô, vệ tinh ; thật là đẹp, thật là kỳ diệu » . Như vậy thấy chúng ta buồn cười đến thế nào. Con người đặt tên cho mọi vật, và chúng ta bám víu vào cái tên đó, tin rằng đó là thật. Cũng giống như chúng ta bám víu vào màu sắc và hình dạng. Các vị nên kiểm điểm lại.

Nếu như anh có thể hiểu được giải thích của tôi, anh sẽ thấy rằng vệ tinh thật sự bắt nguồn từ tâm thức, và nếu như không có tâm thức, sẽ không có một thực chất nào được biểu hiện ở thế giới sắc dục nầy. Cái gì hiện hữu mà không cần tâm thức ? Hãy nhìn tất cả mọi vật anh thấy ở các siêu thị : bao nhiêu là nhãn hiệu, bao nhiêu là thức ăn, rất nhiều thứ khác nhau. Đầu tiên các người tạo ra – tên nầy, tên kia, vật nầy, vật nọ - và như vậy, các tên, các vật ấy xuất hiện trước mắt anh. Và nếu như ngàn ngàn vật dụng ở siêu thị cũng như hỏa tiễn, phản lực, và vệ tinh đều bắt nguồn từ tâm thức, và do đó bất cứ thứ gì cũng đều bắt nguồn từ tâm thức. Bởi vậy, điều quan trọng nhất là tìm cách để hiểu rõ về hoạt động của tâm thức.

 

Các tăng sĩ Tây Tạng trình diễn âm nhạc truyền thống với nhạc cụ cổ xưa. Âm thanh đầy năng động và sâu lắng, khiến người thưởng ngoạn có thể cảm nhận được cả sự rung động trong không gian. (Hình: Văn Lan)

Như thế, nếu anh kiểm điểm thật sâu xa về tâm thức, cách tâm thức biểu hiện, các nhận thức, cảm giác, tưởng tượng, anh sẽ thấy rằng tất cả cảm xúc của anh, cách sống của anh, cách anh trao đổi, đối xử với mọi người, tất cả đều bắt nguồn từ tâm thức. Nếu như anh không hiểu gì về hoạt động tâm thức của anh, anh sẽ tiếp tục có những trải nghiệm tiêu cực như nóng giận và thất vọng. Tại sao tôi gọi tâm thức thất vọng là tiêu cực ? Bởi vì tâm thức thất vọng không hiểu được hoạt động của nó.

Tâm thức không có sự hiểu biết là một tâm thức tiêu cực. Một tâm thức tiêu cực sẽ chỉ mang lại cho anh sự chán chường, bởi vì tất cả các phản ứng của nó đều bị ô nhiễm. Một tâm thức với sự hiểu biết sẽ hoạt động một cách rõ ràng. Một tâm thức trong sáng là một tâm thức tích cực.

Như vậy, bất cứ vấn đề nào có liên quan đến cảm xúc xuất hiện mà anh đang trải nghiệm, đó là bởi vì tâm thức của anh hoạt động, và vấn đề căn bản nằm ở chỗ anh đã đồng nhất hóa một cách sai lầm về chính bản thân mình. Thường anh tự coi nhẹ mình ; anh thấy anh không có gì tốt, trong khi cái anh thật sự muốn là cuộc sống của anh sẽ tốt nhất, sẽ hoàn hảo. Anh không muốn nghèo khổ đúng không ? Như vậy, anh không cần thiết phải đè nén lấy mình hoặc nhảy từ nền văn hóa nầy sang nền văn hóa khác. Đó không phải là giải pháp. Anh chỉ cần hiểu biết về bản chất chân thật của anh, hiểu rõ về chính bản thân mình. Chỉ có như vậy. Thật là đơn giản. 

CHỮA BỆNH QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO TÂY TẠNG
 
Ven. Pende Hawter - Việt dịch : Mỹ Thanh
 
Phần 2
  
THIỀN VỀ LÒNG TỪ BI, TỬ TẾ VÀ HÂN HOAN

Dựa theo những bài giảng Thanh Tịnh Đạo (Vissuddhimagga) của Ngài Phật Âm (Buddhaghosa) - Zoketsu Norman Fischer - Dịch Việt : Mỹ Thanh..

http://www.giacngo.vn/UserImages/1/2008/10/18/thien2.jpg

I. Lòng tử tế

Bắt đầu với tư thế ngồi và hơi thở trong thiền tập. Trên gối thiền, hãy cảm nhận tư thế ngồi, lưng thẳng, phần trên của cơ thể thoải mái, cằm cúi xuống. Cảm nhận hơi thở ở vùng bụng. Tìm tư thế nào mà bạn cảm thấy dễ chịu, thoải mái, không làm việc gì và không có gì cần phải làm. Hãy cảm nhận cảm giác mình đang thở, đang sống.

1. Hãy tự nghĩ về bản thân – hình ảnh hoặc cảm giác. Hơi thở ra vào liên tục một cách chậm rãi, mỗi hơi thở với câu : « Nguyện cho tôi được hạnh phúc / Nguyện cho tâm tôi được cởi mở / Nguyện cho tôi hài lòng với chính mình » .  Lặp lại quá trình nầy ít nhất ba lần, mỗi câu là một hơi thở ra vào. Hãy cố gắng để cảm nhận ý muốn của từng câu nói ấy. Nếu như anh có cảm giác nào khác, như kháng cự hoặc miễn cưỡng hoặc lơ đãng, hãy ghi nhận tất cả, nhưng tiếp tục lặp lại các câu trên với hơi thở ra vào.

2. Bây giờ hãy nghĩ về mẹ của anh – hình ảnh hoặc cảm giác. Với hơi thở ra vào liên tục chậm rãi, mỗi hơi thở với câu nói : « Nguyện cho mẹ tôi hạnh phúc… » v…v… y như ở trên.


3. Bây giờ hãy nghĩ về cha của anh – hình ảnh hoặc cảm giác. Với hơi thở ra vào liên tục chậm rãi, mỗi hơi thở với câu nói : « Nguyện cho cha tôi hạnh phúc… » v…v… y như ở trên.

4. Bây giờ hãy nghĩ về người anh thương, người yêu, ai đó đã từng tử tế với anh, một vị ân nhân – Lặp lại những tiến trình như ở trên :  « Nguyện cho anh hoặc em được hạnh phúc… » v…v….

5. Kế đó là vòng bạn bè anh quen biết – tất cả những người đã thương yêu anh và anh thương yêu họ. Tưởng tượng họ là một nhóm, ngồi vòng tròn. Lặp lại tiến trình ở trên. (Thay phiên nhau, nếu như anh đang thực tập thiền với một nhóm, tưởng tượng tất cả đang trong phòng. Lặp lại tiến trình ở trên).  « Nguyện cho tất cả  được hạnh phúc… » v…v… 

6. Kế đến, hãy nghĩ về người anh không thương cũng không ghét, một người quen sơ, một người không quan trọng lắm trong cuộc sống của anh. Lặp lại tiến trình ở trên.  « Nguyện cho anh, chị hoặc em được hạnh phúc…» v…v….

7. Bây giờ hãy cảm nhận lòng từ bi trong lòng anh. Hãy hít thở với cảm giác từ bi và tăng trưởng nó. Hãy tưởng tượng ánh sáng của từ bi phát ra từ thân thể và như dòng chảy tuôn ra từ phía trên, phía dưới, và xung quanh, không giới hạn. Hãy tưởng tượng tất cả chúng sinh trên đất liền, trong không khí, trong nước đều nhận được ánh sáng từ bi nầy.  Với hơi thở ra vào liên tục chậm rãi, mỗi hơi thở với câu nói : « Nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc / Nguyện cho tấm lòng của họ cởi mở / Nguyện cho họ hài lòng với chính họ. »   Lặp lại ít nhất ba lần, mỗi câu với mỗi hơi thở ra vào.

8. Bây giờ quay lại với chính ta. « Nguyện cho tôi hạnh phúc / Nguyện cho tâm tôi cởi mở / Nguyện cho tôi hài lòng với chính mình. » 

9. Buông bỏ thiền định. Trở lại với việc ngồi thiền, với thân và hơi thở. Hãy an trú đơn giản trong cảm giác ta còn sống, hãy để cho ý nghĩ, cảm giác, thời gian và cuộc sống đến rồi đi.

Điện Potala Tây Tạng

II. Lòng trắc ẩn

Bắt đầu sửa soạn tư thế ngồi thiền và hơi thở, như chỉ dẫn ở trên. Hãy ngồi một lúc.

1. Hãy bắt đầu tưởng tượng  một người không có khả năng làm người tốt, một người chuyên làm những việc phá hoại, làm đau lòng kẻ khác mà không biết họ đang làm ác, hoặc không hiểu họ đang làm gì. Có thể người nầy cũng có khả năng vui vẻ, hạnh phúc, hoặc ít nhất đủ hạnh phúc. Nhưng anh biết rất rõ. Anh biết trong thực tế người nầy đang ở một vị trí rất bi thương. Thật ra, người nầy đã bị kết án tử hình cho tội ác của họ, và bị đưa đi vào phòng tử hình, nhưng anh ta chưa biết điều nầy. Anh ta chưa rõ việc đang xảy ra.

Trên đường đến phòng tử hình, anh nầy được hưởng những ân huệ cuối cùng, thức ăn, lời chào hỏi. Có điều anh ta không biết đây là ngày cuối cùng của anh ta ở trái đất nầy, vị trí của anh ta thật là kinh khiếp. Bây giờ hãy cảm nhận anh đang trong tình trạng của người ấy – quên bẵng đi anh đang ở trong tình trạng nguy hiểm . Cảm nhận bước chân anh đang tiến về phía phòng xử tử - mà không hề hay biết anh đang đi đâu.  Bây giờ anh có thể cảm thấy thương cho người đó – thật sự cảm thấy tội nghiệp cho họ. Hãy để cho sự thương sót đó tràn ngập thân thể anh và hãy thở với tình thường tuôn ra mọi hướng, bao trùm cả vũ trụ.

2. Kế đó, hãy tưởng tượng một người tứ cố vô thân, không nhà cửa, đang bệnh và đau đớn không tả siết, già và nghèo khổ. Cảm nhận nỗi đau khổ trong hoàn cảnh nầy. Cảm nhận anh đang trong tình cảnh như người ấy. Như ở trên, hãy để sự thương xót tràn ngập cả thân thể và tuôn ra muôn phương, bao trùm cả thế giới.

3. Hãy lặp lại tiến trình nầy với sự thấu cảm và lòng từ bi đối với người mà anh thân thiết. Hãy tưởng tượng người nầy đang đau khổ - với một chứng bệnh nào đó, hoặc đang thất vọng não nề. Hãy cảm tưởng anh đang trong tình trạng nầy, và người kia là bạn. Cũng như ở trên, hãy để lòng thương xót tràn ngập và tuôn trào ra muôn phía, bao trùm cả vũ trụ.

4. Bây giờ hãy lặp lại tiến trình giống như vậy đối với một người không thân lắm, một người anh quen nhưng không phải là trọng tâm hay quan trọng trong cuộc sống của anh. Hãy tưởng tượng người ấy đang đau khổ. Hãy cảm tưởng rằng anh cũng đang trong tình trạng đó. Hãy để lòng thương xót tràn ngập thân thể và tuôn trào ra mọi phương hướng, bao trùm cả thế giới.

5. Bây giờ hãy lặp lại tiến trình trên đối với người không thân thiện với ta, một người tạo cho anh vấn đề phiền phức, một kẻ thù hay một người chống đối anh. Hãy tưởng tượng rằng người đó đang đau khổ - với một căn bệnh chẳng hạn, hoặc họ đang thất vọng tràn trề. Hãy cảm nhận là anh đang ở trong tình trạng của người đó.

Hãy để cho sự thương xót tràn ngập cả thân thể và tuôn trào ra mọi phương hướng, bao trùm cả vũ trụ. Nếu anh cảm thấy khó khăn để có cảm giác thương xót cho kẻ đối đầu thì hãy nhớ rằng sự thù hằn mà anh cảm nhận không phải lỗi nơi anh, và đó là một loại cảm giác mà anh cần phải khắc phục dần. Kẻ thù không bị đau đớn bởi sự thù hằn của anh – chỉ có chính bản thân anh bị đau đớn vì điều ấy. Hãy nên nhớ rằng kẻ thù ở một giai đoạn nào đó (giống như kẻ tử tù bị dẫn đi xử tử mà không biết rằng mình sẽ bị chết) sẽ gặt hậu quả từ những hành động của họ. Mặc kệ những cảm giác thù hằn của anh, hãy nhớ đến điều nầy và cố gắng nuôi dưỡng tình thương cho kẻ đối đầu.

6. Bây giờ hãy nghĩ rằng anh là một người khác, một người trong thế giới nầy mà anh có thể sẽ có dịp quen biết. Hãy lặp lại tiến trình như ở trên.  Hãy buông xả sự chiêm nghiệm và trở về với việc ngồi thiền.


http://i660.photobucket.com/albums/uu329/phthnguyen/PT%20so%2027/12386571237571427.jpg


III. Niềm vui

Hãy bắt đầu với việc ngồi thiền như ở trên. Ngồi một lúc cho tới khi anh cảm thấy sẵn sàng để bắt đầu thực tập.

1. Hãy bắt đầu nghĩ về một người mà anh quen biết, người ấy có khuynh hướng vui vẻ. Hãy tưởng tượng người ấy trong trạng thái hân hoan, sung sướng. Nhìn thấy khuôn mặt, cử chỉ, hãy tưởng tượng một cảnh trí vui vẻ của người ấy. Và hãy nghĩ – sự hân hoan nầy cũng là niềm hân hoan của tôi ; bởi vì người ấy hân hoan thì tôi cũng hân hoan. Hãy chú tâm vào cảm giác hân hoan, cảm nhận niềm hân hoan càng lúc càng to lớn với mỗi hơi thở ra vào. Hãy làm cho niềm hân hoan đó mạnh mẽ và sống động.

2. Bây giờ hãy tưởng tượng đến một người mà anh thương yêu, một người bạn hoặc vị thầy, chồng hay vợ, con cái, cha mẹ, bằng hữu. Hãy nhớ lại giây phút khi người nầy sung sướng hay vui vẻ. Hoặc hãy tưởng tượng giây phút mà người nầy cảm nhận niềm vui trong tương lai. Và hãy nghĩ : như ở trên .

3. Hãy nghĩ đến một người mà ta không thương, không ghét, một người anh quen biết nhưng không thân thiết. Hãy nhớ đến giây phút mà họ sung sướng hoặc vui vẻ. Hoặc hãy tưởng tượng giây phút khi người ấy sung sướng, vui vẻ trong tương lai. Và nghĩ : như ở trên.

4. Bây giờ hãy nghĩ đến kẻ chống đối. Hãy nhớ đến giây phút mà người ấy sung sướng hoặc vui vẻ. Hoặc hãy tưởng tượng giây phút khi người ấy vui vẻ trong tương lai. Và nghĩ : như ở trên.  Nếu như anh thấy khó khăn để cảm nhận niềm vui đối với người nầy, hãy lặp lại những suy nghĩ dưới số 5, và « lòng thương xót » như ở trên.

5. Bây giờ hãy nghĩ rằng anh là một người khác. Hãy xem anh đang trải nghiệm giây phút vui vẻ. Hãy nhìn thấy cảnh trí ấy. Hoặc hãy tưởng tượng đến giây phút mà anh cảm thấy vui vẻ ở tương lai. Và nghĩ : như ở trên.

Hãy buông bỏ sự chiêm nghiệm và trở về với thiền tọa.



Thông tin liên hệ

Điện thoại: 0389.977.999
Hotline     : 0389.977.999
Email: phongthuysongha@gmail.com
Địa chỉ: Trung tâm Thương mại Hyundai - Tô Hiệu - Hà Đông - Hà Nội - Việt Nam


Xem lịch âm
Tháng     Năm  

Liên kết nhanh

Website liên kết: https://topchuyengia.vn