Phong tục Việt Nam - Cưới hỏi - phần 2


"Phong" là nền nếp đã lan truyền rộng rãi, 'Tục" là thói quen lâu đời. Nội dung phong tục bao hàm mọi mặt sinh hoạt xã hội....

Phong tục có  thứ trở thành luật tục, ăn sâu, bén rễ trong nhân dân rất bền chặt, có sức mạnh hơn cả những đạo luật. Trong truyền thống văn hoá của dân tộc ta, có nhiều thuần phong mỹ tục cần cho đạo lý làm người, kỷ cương xã hội. 

12. Lễ  xin dâu có những ý nghĩa gì?  và thủ tục tiến hành.  

Lễ này rất đơn giản: Trước giờ đón dâu, nhà trai cử một hai người, thường là bà bác, bà cô, bà chị  của chú rể đưa một cơi trầu, một be rượu đến xin dâu, báo trước giờ đoàn đón dâu sẽ  đến, để nhà gái sẵn sàng đón tiếp.Phong tục này có nhiều ý nghĩa hay:Mặc dù hai gia đình đã quy ước với nhau từ trước về ngày giờ và thành phần đưa đón rồi, nhưng để đề phòng mọi sự bất trắc, mọi tin thất thiệt, nên mới định ra lễ này, biểu hiện sự cẩn trọng trong hôn lễ. Thời gian này chú rể và cha mẹ chú rể rất bận rộn không thể sang nhà gái, nên nhờ người đại diện sang báo trước như bộ phận "Tiền trạm".Để trong trường hợp vạn nhất hoặc do thời tiết, hoặc do trở ngại giao thông, gần qua giờ quy ước mà đoàn đón dâu chưa đến, nhà gái biết để chủ động làm lễ gia tiên hoặc phái người sang nhà trai thăm dò.Trường hợp hai gia đình cách nhau quá xa hoặc quá gần, hai gia đình có thể thoả thuận với nhau miễn là bớt lễ này, hoặc nhập lễ xin dâu và đón dâu làm một.Cách nhập lễ xin dâu và đón dâu tiến hành như sau:Khi đoàn đón dâu đến ngõ nhà gái, đoàn còn chỉnh đốn tư trang, sắp xếp lại ai đi trước, ai đi sau, trong khi đó một cụ già đi đầu họ cùng với một người đội lễ (một mâm quả trong đựng trầu cau, rượu... )vào trước,đặt lên bàn thờ, thắp hương vái rồi trở ra dẫn toàn đoàn vào làm lễ chính thức đón dâu. Lễ này phải tiến hành rất nhanh. Thông thường nhà gái vái chào xong, chủ động xin miễn lễ rồi một vị huynh trưởng cùng ra luôn để đón đoàn nhà trai vào.

13. Mẹ  chồng làm gì khi con dâu bắt  đầu về nhà?

Phong tục ở mỗi địa phương một khác, trái ngược nhau nhưng đều có ý nghĩa hay:Ngày xưa ở nhiều địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh có lệ tục mẹ chồng ra cất nón cho con dâu:Nhà trai đặt sẵn trước ngõ một cái nồi đồng, một cái gáo, trong nồi đặt sẵn một quan tiền đồng và đựng đầy nước trong. Cô dâu vào đến cổng dùng gáo múc nước rửa mặt mũi, chân tay, mẹ chồng bước ra cất nón cho con dâu. Con dâu, một tay cầm lấy quan tiền, một tay vẫn cầm quạt che mặt. Mẹ chồng dắt con dâu vào nhà đặt quan tiền và cái quạt lên bàn thờ, cúi đầu lễ gia tiên (bốn lạy ba vái theo tư thế của nữ). Sau đó mẹ chồng dắt cô dâu cầm cả tiền và quạt vào buồng. Trong buồng đã chuẩn bị sẵn trầu nước hoa quả, giường chiếu mới. Đôi chiếu trải úp vào nhau, do một người thân trong họ có tuổi tác, vợ chồng song toàn, con cháu đông, làm ăn nên nổi, được gia đình mời đến trải chiếu; nếu mẹ chồng có đủ tiêu chuẩn trên thì mẹ chồng trực tiếp dọn giường trải chiếu, nhưng bố chồng thì không được. Khi con dâu nghỉ ngơi xong, khăn yếm chỉnh tề mới bưng hộp trầu ra chào họ. Trường hợp mẹ chồng đã mất thì một bà cô hay bà dì thay thế.Phong tục này có nhiều ý nghĩa:

 
- Thời xưa, con dâu trước khi về làm dâu, còn hoàn toàn xa lạ, bỡ ngỡ, chưa biết đâu là buồng đâu là bếp, ai là bố mẹ chồng. Trừ  trường hợp xóm giềng quen biết nhau từ trước không tính, là thân phận con gái chưa cưới đã về nhà trai thì bị dư luận gièm pha là con nhà hư đốn. Có người chồng lại rụt rè e lệ, có trường hợp trước lễ cưới chưa hề tỏ mặt nhau, vậy nên mẹ chồng niềm nở ra đón dâu, dắt dâu vào nhà là hay, là phải lẽ. Mới bước về nhà chồng đã được tổ tiên, ông bà, cha mẹ chồng ban phước lộc, dồi dào như nước quan tiền là biểu tượng vốn liếng của riêng mà mẹ chồng trao cho. 
Nhiều địa phương lại có tục khác: Khi con dâu vừa vào đến nhà thì mẹ chồng cầm chiếc bình vôi tạm lánh sang hàng xóm ít phút. 
Tục đó cũng có ý nghĩa hay: Tức là mẹ chồng đã xác định vai trò, trách nhiệm con dâu sẽ về làm chủ, mẹ chồng sẵn sàng trao quyền công việc trong nhà trong cửa cho con dâu, nhưng không phải trao toàn quyền đẩy hết trách nhiệm mà bà vẫn là người nắm quyền điều hành, vì bình vôi là vật tượng trưng cho bà Chúa trong nhà.

14. Tại sao mẹ  cô dâu kiêng không đi  đưa dâu?

Trong chế độ phong kiến cũ, hôn nhân cưỡng ép, thường là cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Thực ra, trong nhiều gia đình, người cha quyết định mọi việc, người mẹ chỉ biết tuân theo. Vì thế đã xảy ra một số trường hợp oái oăm: Ngày con gái vu quy đáng lẽ là ngày vui nhất trong đời nhưng người thì khóc lóc buồn tủi vì bị ép buộc, người thì lo sợ cảnh làm dâu, làm vợ, từ tấm bé chưa rời mẹ, nay tự nhiên mẹ con xa nhau; mẹ thương con còn thơ dại, cũng mủi lòng sụt sùi khóc. Thế là, trong khi hai họ đang vui mừng yến ẩm ở nhà ngoài thì hai mẹ con lủi thủi, cắp nón ra về.

Tan tiệc, nhà trai chẳng tìm thấy cô dâu đâu nữa. Qua một vài đám đại loại như vậy người ta rút kinh nghiệm không nên để mẹ cô dâu đi đưa dâu, dần dần bắt chước nhau, trở thành tục lệ.Một vài địa phương, cả bố cô dâu cũng không đi đưa dâu với lý do con mình đã gả bán cho người. Tuy rằng trong văn sách có ghi "Giá thú bất luận tài" nghĩa là không bàn đến tiền tài trong việc cưới hỏi, nhưng không hiểu vì sao trong ngôn ngữ Việt Nam lại kết hợp "Gả bán" liền nhau.

Thời nay hôn nhân tự do, trai gái tìm hiểu, yêu nhau kết hôn trên cơ sở tình yêu đôi lứa, cha mẹ chỉ tham gia góp ý, hướng dẫn, vậy thì cha mẹ có nên đến dự lễ vui của hai con không? Đã có nhiều đám cưới ngày nay bỏ tục kiêng này.

15. Tại sao trong gói quà  mẹ cho con gái  
trước giờ vu quy có một chiếc trâm hay bảy chiếc kim?   

Chúng tôi chưa được biết một tài liệu thành văn nào nói về tục này, có lẽ vì các cụ nhà nho ngày xưa đã cầm bút là phải viết những lời thanh nhã. Tục này chỉ là một thứ bí truyền do người mẹ thủ thỉ "tâm sự" ngầm với con gái vào buổi trước khi về nhà chồng. Thời trước, cô dâu quấn khăn nhiễu trên đầu, có đính mấy chiếc kim trên khăn là đủ hiểu rồi. Vì không có tài liệu thành văn, vì có những trường hợp mẹ mất sớm hoặc đám cưới xa quê vắng mẹ, nên nhiều bà mẹ thời nay (vốn là cô dâu ngày trước) không biết để truyền tiếp cho con gái. Xuất sứ của tục này là đề phòng tai biến "Phạm phòng". "Phạm phòng"là gì? Nói thô tục là chết ngay trên bụng vợ ngay khi quan hệ vợ chồng. Ca dao tục ngữ có câu "nhất phạm phòng, nhì lòng lợn" có nghĩa là: Được ăn lòng lợn ngon miệng, dẫu chết cũng sướng.Chàng rể qua mấy ngày đêm lo lắng, chạy ngược chạy xuôi, bận rộn, vất vả, đêm tân hôn là đêm xao xuyến, rạo rực nhất, lại thêm mấy chén rượu ngà ngà say, đến một thời điểm cảm xúc quá đà, nếu người có thể chất và tâm thần suy tổn nhiều thì lúc xuất tinh, thần kinh từ trạng thái hưng phấn quá độ chuyển thành ức chế quá độ, dễ bị phạm phòng, nếu người vợ không biết xử lý kịp thời có thể người chồng chết trên bụng vợ. Hầu như không có trường hợp người phụ nữ bị phạm phòng.Trong lúc giao hợp, cửa buồng đóng kín, thân thể loã lồ, lại thêm tâm lý e thẹn xấu hổ, sợ hãi, nếu người vợ thả người chồng ra, để dương vật thoát ra ngoài, mất sự điều hoà khí âm khí dương thì khó lòng cứu chữa.Lúc đó, sẵn có cái trâm cài trên đầu hoặc mấy chiếc kim đính ở vành khăn, người đàn bà một tay vẫn ôm riết lấy phía dưới lưng chồng một tay lấy chiếc trâm hoặc kim chích vào phía dưới hố xương chậu, phía trên hậu môn, kích thích đến lúc nào người chồng tỉnh lại. Người con trai nào có lông ở đít thì giật lông. Nếu chưa tỉnh thì tiếp tục châm kim, lấy mùi xoa trắng hoặc lấy giấy bản chấm thử, hễ thấy có máu chảy là chữa được. Trong phòng đôi tân hôn nên để ngọn đèn con nhằm tạo thêm khoái cảm, mặt khác cũng vì mục đích đó nữa, nhưng vẫn chú ý phải ôm riết chồng trên bụng. Chúng tôi không đi sâu vào lĩnh vực y dược, song có phương thuốc được lưu truyền trong dân gian: Cứt chuột và lá hẹ giã nhỏ, người đàn bà ngậm rồi trúm vào miệng chồng, vì lúc đó người chồng đang nằm sấp rất khó đổ thuốc.Trường hợp nhẹ, người đàn ông vẫn còn tỉnh nhưng cơ thể liệt nhược sau khi giao hợp, gọi là phòng thất, phải uống thuốc bổ dương một thời gian sau mới hồi phục sức khoẻ.Còn tại sao lại 7 chiếc kim: Theo quan niệm cổ truyền " Nam thất nữ cửu" (đàn ông 7 vía, đàn bà 9 vía). Vì để phòng xa , dùng cho con rể nên bà mẹ vợ chỉ đưa 7 chiếc kim - chứ không phải dùng cho con gái vì con gái không bị phạm phòng.Trong hàng vạn trường hợp mới có một trường hợp là phạm phòng, nhưng các bạn trẻ cũng nên biết trước để khi ngộ sự biết chủ động xử lý. Điều cần thiết là phải cùng nhau hiểu biết, thông cảm mà phòng ngừa, nhất là trong tuần trăng mật hoặc vợ chồng cách xa nhau lâu ngày về gặp nhau. Các bạn gái vì e thẹn xấu hổ nhất thời mà mang lại mối ân hận suốt đời.Giới thiệu thêm phương thuật chữa tai biến phạm phòng:Khi nam nữ giao hợp với nhau, khoái cảm lên đến cực độ, tinh khí xuất quá nhiều, có thể chết (chết trên bụng vợ). Khi xảy ra như thế, nhất thiết không được đẩy rời nhau ra (dù là xấu hổ cũng phải để nguyên như tư thế đang giao hợp). Nếu đàn ông xuất tinh quá nhiều bị thoát, thì người đàn bà phải chúm miệng thổi hơi nóng của mình vào miệng chồng, nếu đàn bà bị thoát hết khí, thì đàn ông cũng làm như vậy, để tống hơi nóng của mình vào miệng vợ. Tống hơi nóng như vậy mấy chục lần, dương khí sẽ dần trở lại. Trong khoảnh khắc cấp bách giành giật giữa cái sống và cái chết như vậy, để bảo vệ điều hoà hai khí âm dương, chẳng những không được hoảng hốt rời khỏi giường, mà không để cho dương vật thoát ra khỏi âm hộ, nên phải ôm chặt lấy phần nửa mình phía dưới, Người đã ngất lịm rồi không biết gì nữa, hoàn toàn phải do người sống chủ động ôm riết lấy, để cho khí không tuyệt hẳn, phải tống khí liên tục cho đến khi sinh khí của người kia tỉnh lại mới thôi. Cách tống khí: Phải chúm miệng lại, đưa được khí từ hạ đan điền(1) lên, truyền qua miệng tống khí vào đến yết hầu người kia theo nhịp thở. Cách này cả trai và gái đều nên biết. Sau khi dương khí đã hồi phục phải dùng bài "Nhân sâm phụ tử thang"(2). Nếu nhà nghèo không có nhân sâm, thì cấp tốc dùng 4 lạng hoàng kỳ, 2 lạng đương quy, 5 đồng cân phụ tử, sắc uống cũng có thể cứu sống được. Trường hợp người đàn ông xuất tinh quá nhiều khí hết, mà đã nhỡ đẩy ra rồi, thì phải cấp tốc vực ngồi dậy ôm choàng lấy mà tống khí vào miệng, nếu khí qua miệng khó vào thì dùng ống thông hơi hai đầu đút vào miệng mà thổi, miễn sao hơi vào được qua cuống họng. Có thể mượn người đàn bà, con gái mạnh khoẻ khác hà hơi, không nhất thiết phải là người vợ hoặc người đàn bà vừa giao hợp. Đó là cách lấy người để chữa người, khả năng sắp chết vẫn cứu sống được. (1) Hạ đan điền: vùng bụng dưới rốn. 
(2) Nhân sâm phụ tử nhang: Phụ tử: 1 đồng cân. Phục linh: 7,5 phân. Nhân sâm: 1 đồng cân. Bạch truật: 1 đồng cân. Bạch thược: 1,5 đồng cân.

16. Tại sao phải có  phù dâu

  Tục lệ xưa cần có phù  dâu vì hôn ngân cưỡng ép, do cha mẹ định đoạt, nhiều nơi lại có nạn tảo hôn, thông thường thì "Nữ thập tam nam thập lục", con giá mười ba tuổi về nhà chồng đã biết gì đâu! do đó cô dâu phải có người dẫn dắt. Người dắt cô dâu gọi là phù dâu.Ngày xưa phù dâu phải là người cô, người dì hay chị em thân thiết của cô dâu, có khả năng thuyết phục, bày vẽ cho cô dâu, được cô dâu kính nể, mến phục, được bố mẹ cô dâu ủy thác. Người phù dâu phải là người may mắn, tốt phúc, duyên ưa, phận đẹp, con gái lành mạnh ngoan ngoãn, gia đình êm ấm, đề huề có thể truyền kinh nghiệm làm dâu, làm mẹ, làm vợ cho em, cho cháu mình. Phù dâu nhiều khi còn phải ở lại năm bảy ngày sau để cho cô dâu đỡ buồn và để chỉ bảo kinh nghiệm. Thông thường phù dâu cũng trở lại với dâu rể trong lễ lại mặt.Đám cưới ngày xưa phải có phù đâu, không định lệ, và cũng không có danh từ "Phù rể".

Đám cưới ngày nay, nhiều nơi có cả phù dâu, phù rể, có đám mời đến năm sáu đôi phù đâu phù rể toàn là trai thanh, gái lịch, chưa vợ chưa chồng. Có lẽ chủ yếu để cô dâu thêm bạn, chú rể thêm bầu. Hay phải chăng ngày nay chàng rể bẽn lẽn e thẹn hơn xưa, nên phải có người dẫn dắt. Hay đám cưới trước thường sinh ra nhiều đám cưới sau nên phải chăm lo đào tạo những cô dâu, chú rể tương lai.

17. Lễ  lại mặt có ý nghĩa gì?

Lễ thành hôn, tơ hồng, hợp cẩn xong xuôi, hai vợ chồng tân hôn trở về nhà gái mang theo lễ vật để tạ gia tiên ông bà cha mẹ, đi chào họ hàng thân nhân bên nhà gái sau đó đón bố mẹ và vài thân nhân sang nhà chú rể. Kể từ buổi đó, mẹ cô dâu mới chính thức tới nhà chú rể và nhà thông gia, vì trong lễ cưới, mẹ cô dâu (có nơi cả bố) không đi đưa dâu. Lễ lại mặt thường tiến hành vào ngày thứ hai hoặc thứ tư sau ngày cưới (gọi là nhị hỷ hoặc tứ hỷ) tuỳ theo khoảng cách xa gần và hoàn cảnh cụ thể mà định ngày.

Thành phần chủ khách rất hẹp, chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình. Phỏng theo tục cổ Trung Quốc: nếu trong lễ lại mặt, có cái thủ lợn cắt lỗ tai tức là ngầm báo với nhà gái rằng nhà trai trả lại, vì con gái ông bà đã mất trinh (Đêm tân hôn có lót giấy bản, gọi là giấy thám trinh, để xem người con gái còn trinh tiết hay không. Nếu còn trinh thì trên giấy bản sẽ có mấy giọt máu. Mã Giám Sinh sau khi cưỡng ép phá trinh nàng Kiều xong dùng "Nước vỏ Lựu", "Máu mào gà" hòng lường gạt làng chơi tưởng nhầm là Kiều vẫn còn trinh).Trường hợp hai nhà xa xôi cách trở, ông già bà lão thì nên miễn cho nhau, cô dâu chú rể nếu bận ông tác cũng nên được miễn thứ. Nếu điều kiện cho phép thì nên duy trì, vì lễ này mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp:-Nhắc nhủ con đạo hiếu, biết tạ ơn sinh thành, coi bố mẹ vợ cũng như bố mẹ mình.-Thắt chặt và mở rộng mối quan hệ thông gia, họ hàng ngay từ buổi đầu, tình cảm được nhân đôi. - Hai gia đình cùng trao đổi rút kinh nghiệm về việc tổ chức hôn lễ và bàn bạc về trách nhiệm của hai bên bố mẹ trong việc tác thành cuộc sống cho đôi trẻ trong tương lai.

18. Trả  lời câu hỏi không rõ câu hỏi  

Tại sao kỳ quặc thế? Vì  các bạn trẻ muốn hỏi nhưng ngại không đặt thành câu hỏi, hoặc không biết để mà hỏi vì  những vấn đề này thời trước chỉ do người mẹ thầm với con gái, người đàn ông chỉ thầm hiểu mà không bao giờ nói tới. Đó là những bí mật trong phòng giữa đôi trai gái. Chúng tôi cũng chỉ xin nói thầm với các bạn trẻ, xin chớ hiểu lầm là chuyện khiêu dâm, thiết nghĩ vì hạnh phúc đôi lứa, vì tương lai nòi giống, trước khi thành hôn cần có những kiến thức sơ đẳng:

Tuổi dậy thì từ lứa tuổi nào? Có những biểu hiện gì về tâm sinh lý? " Nữ thập tam nam thập lục". Theo đánh giá của các cụ ngày xưa, gái mười ba trai mười sáu đúng tuổi dậy thì. Trong tuổi phát dục đó, cơ thể lớn nhanh như thổi, chỉ đầu năm đến cuối năm đã biến đổi rất nhiều: má hồng, ngực nở, mông phát triển, nhú âm mao, nam mọc ria mép, một số thì mặt nổi trứng cá, nữ đã hành kinh, có tâm lý e thẹn khi tiếp xúc với người khác giới, ánh mắt tế nhị kín đáo, kể cả tiếp xúc với người thân trong gia đình nhưng khác giới đã bắt đầu có sự ngăn cách. Cả nam và nữ ở tuổi này đã ham làm dáng. Có trường hợp tuổi dậy thì đến sớm hơn hoặc muộn hơn vài năm.

Thời xưa, tảo hôn, có cô  gái mười ba tuổi đã bắt đầu sinh nở. Nên chú  ý, mặc dù con gái đã có dục tính nhưng giao hợp sớm cơ thể sẽ suy nhược nhanh chóng dẫn tới hậu quả làm cho nòi giống bị suy thoái.

Trai gái giao hợp là thuận theo quy luật điều hoà âm dương nhưng chỉ  nên khi nào cả hai bên đều có khoái cảm mạnh. Người đàn bà thường khoái cảm chậm hơn đàn ông, các bạn trai nên chú ý kiên trì chờ đợi, kích dục nhẹ nhàng, đừng để xảy ra tâm lý lo sợ. Một đặc điểm nữa là khoái

cảm đàn bà đến chậm hơn nhưng lâu hơn vậy nên có trường hợp người đàn bà chán nản vì người đàn ông không đáp ứng được yêu cầu sinh lý, có khi dẫn tới ngoại tình hoặc ly hôn.

Vì hạnh phúc lâu dài, nhiều khi người đàn ông biết tự kiềm chế. Ví dụ  trường hợp vợ chồng xa vắng lâu ngày gặp nhau, gặp phải thời kỳ hành kinh của vợ, có khi người vợ nể chồng phải chiều theo ý chồng nhưng rất có hại đến vệ sinh phụ nữ. Trong trường hợp mới sinh nở cũng vậy.

Người đàn bà có thai gần tới kỳ sinh nở thì chẳng những đàn ông mà đàn bà cũng vậy, phải tự kiềm chế  dục cảm, tốt nhất là nên tạm thời dừng lại  để bảo vệ cho sản phụ và thai nhi:

Nam nữ thanh niên chưa lấy vợ lấy chồng, hoặc tình duyên không mãn nguyện thường có thói thủ dâm để đạt khoái cảm nhất thời nhưng rất hại cho sức khoẻ lâu dài về sau. Nến biết trước để tránh hậu quả không hay, nhất là đối với nam giới.

Trước lúc động phòng, cả nam và nữ đều phải sạch sẽ, tâm hồn thư thái, kiêng kỵ lúc mới lao động nặng nhọc hoặc mới đi xa về chưa kịp nghỉ ngơi.

Coi việc hiểu biết về những kiến thức vệ sinh giao hợp là cần thiết, vợ, chồng nên nhỏ nhẹ tâm tình, chớ coi đó là  chuyện dâm ô.

19. Khi người đàn bà tái giá cần có những thủ tục gì?

  Đàn ông lấy vợ gọi là thú, đàn bà lấy chồng gọi là giá. Có nhiều trường hợp đàn bà phái tái giá: Một là duyên không ưa, phận không đẹp phái ly hôn; hai là nửa đường đứt gánh, goá bụa khi tuổi còn xoan...ở đây chúng tôi không nói đến sự khác biệt giữa luật hôn nhân thời xưa và thời nay, và những quy định bất công về phụ nữ thời phong kiến mà chỉ nói về phong tục, trong đó một số phong tục còn duy trì tới nay:

-Cha mẹ chỉ gả  bán một lần, lần sau không tham gia cưới hỏi.

-Đàn bà goá, tục gọi là  "Nạ dòng" ít có trường hợp lấy  được trai tân, phần lớn làm vợ kế hay vợ  lẽ, nói chung là chắp nối tơ duyên, "Rổ  rá cạp lại", nên lễ cưới hỏi chỉ  bó hẹp trong phạm vi thân nhân gia đình và vài bà con xóm giềng.

20. Tại sao nạ dòng không lấy được trai tơ?

  Không phải tác giả đặt câu hỏi để giải đáp, mà chính tác giả  thắc mắc mong được giải đáp vì sao có sự  bất công đó?
Ngày xưa những người đàn bà  goá chồng hay bị chồng bỏ thì chỉ  còn cách lấy lẽ hay lấy kế, mặc dầu còn trẻ, còn xoan cũng ít ai lấy được trai tân (trai tơ). Những ai là trai chưa vợ mà kết duyên với gái đã có một đời chồng, dù ít tuổi hơn mình, cũng bị làng trên xã dưới cười chê. Ngược lại có những đức lang quân đã ngoại tứ tuần, đã hai ba đời vợ vẫn lấy được con gái tơ chỉ bằng tuổi con mình. Như vậy mà thiên hạ vẫn khen là đẹp đôi vừa lứa.
Những người đàn bà duyên phận hẩm hiu, qúa lứa lỡ thì, ngày xưa chỉ làm vợ lẽ nàng hầu, thời nay rất khó lấy chồng. Luật hôn nhân phong kiến có nhiều điều bất công đối với phụ nữ, luật hôn nhân sau Cách mạng đã thực hiện đúng nam nữ bình quyền, nhưng tập tục dư luận xã hội vẫn còn bất công đối với nữ. Vậy muốn thực sự giải phóng phụ nữ, phụ nữ phải tự đấu tranh đòi giải thoát khỏi những mặc cảm vô lý nói trên. Xin kiến nghị các cấp lãnh đạo, trước hết là cán bộ đoàn thể phụ nữ hướng dẫn dư luận xoá bỏ dần những mặc cảm bất công nói trên.

21. Quan hệ  vợ cả vợ lẽ  ra sao?

  Ngoại trừ chế độ mẫu hệ, còn như trong chế độ phụ hệ  người đàn bà chẳng mấy khi có chồng cả, chồng lẽ; ngược lại đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện thường, càng quyền quí cao sang càng lắm vợ: Minh Mạng có 142 con, "Nhất dạ ngũ giao, tam hữu dựng" (trong một đêm ngủ với năm bà thì ba bà có thai) còn bao nhiêu vợ thì không thể thống kê được. Nguyễn Công Trứ 73 tuổi, lấy vợ lẽ thứ 10, đêm tân hôn cảm tác:

"Tân nhân dục vấn: Lang niên kỷ? - Ngũ thập niên tiền nhị thập tam"

(Dịch nghĩa: Nàng muốn hỏi anh: chàng mấy tuổi - Năm mươi năm trước mới hăm ba)

Đạo Thiên chúa chỉ cho phép con chiên một vợ một chồng.

Thông thường vợ cả lấy trước, vợ lẽ lấy sau. Nhưng có trường hợp người con trai làm ăn xa nhà, tự ý lấy vợ, chưa được cha mẹ và họ hàng chấp nhận, ở quê nhà cha mẹ đã dạm hỏi sẵn cho một cô vợ khác bắt về cưới. Người vợ do cha mẹ cưới hỏi, dẫu rằng lấy sau vẫn là vợ cả. Người vợ tự ý chọn, nếu sau này được cha mẹ chấp thuận, mặc dù con gái con trai đều đã lớn, vẫn phải chịu phận làm em. Con vợ bé dẫu nhiều tuổi hơn vẫn phải chào đứa con bà cả đang ăm ngửa bằng anh bằng chị. Trường hợp vợ cả chết sớm, không có con trai thì con trai vợ kế đẻ sau vẫn là trưởng nam, là đích tôn thừa trọng chứ con trai vợ lẽ vì phận thiếp không môn đăng hộ đối , không phải do ông bà trực tiếp cưới hỏi nên không đủ quyền kế vị.

Muốn cho gia đình êm thấm, người chồng phải khéo đối xử để vợ cả đi hỏi vợ lẽ cho chồng, thì người vợ lẽ và bố mẹ cô ta mới yên tâm.

22. Nên nhìn nhận vấn  đề ly hôn như thế  nào?

  Nhiều cụ cao tuổi thường phàn nàn: Thời này bọn trẻ yêu nhau quá dễ  dàng nên bỏ nhau cũng dễ. Ngược lại lớp trẻ  lại cho rằng: Ngày xưa các cụ chẳng biết yêu đương là gì, lấy vợ lấy chồng thì sinh con đẻ cháu, chứ mấy ai được hưởng hạnh phúc. Họ không bỏ nhau chẳng qua do lễ giáo và phong tục xã hội trói buộc. Trai làm nên năm thê, bảy thiếp, gái chính chuyên chức tiết một chồng. Chỉ có người đàn bà phải cam chịu thiệt thòi bị giam lỏng chứ đàn ông không ưng vợ này thì lâý thêm vợ khác, chẳng cần phải ly hôn với vợ cũ.Tất nhiên trong chế độ cũ cũng như mới, không ai khuyến khích việc ly hôn. Có những trường hợp quan hệ vợ chồng gặp nhiều trắc trở, nhưng vì nghĩ đến tương lai của con cháu hoặc vì nguyên cớ này, lý do nọ, họ đành chấp nhận nỗi thiệt thòi chung sống vì phận sự, mà thiếu tình yêu. Không phải mọi trường hợp ly hôn đều đáng chê trách. Ngược lại có những vụ án sử ly hôn được coi như trận thắng giải phóng cho cả hai bên. Ly hôn lại trở thành cơ sở tái tạo hạnh phúc. Vậy ta không nên có thái độ nhìn nhận quá khắt khe đối với mọi trường hợp ly hôn.
Tuy nhiên, ngày xưa các cụ  thường có một câu "Một ngày là nghĩa", thời nay quan hệ xã hội mới càng thêm tươi đẹp, vậy nên đôi vợ chồng sau khi chia tay chớ nên coi nhau như thù địch, cho dù duyên không ưa, phận không đẹp, và nên coi nhau như bạn bè. Bạn bè có thân mà có sơ, vậy nên nhắn những ai sau này là đối tượng của người vợ hay người chồng đã ly hôn chớ có ghen bóng ghen gió.
Còn con cái, do tình trạng ly hôn, tái thú, tái giá, nên trong một gia đình có cả  con anh, con tôi, con chúng ta. Chúng nó đối xử với nhau hoà thuận là hiếm, mâu thuẫn với nhau là  phổ biến. Điều đó đòi hỏi người làm cha làm mẹ, làm dì ghẻ, bố dượng phải thu xếp sao cho công minh, êm thấm mọi bề Tân Việt