Thường Ðoạn Trong Giáo Lý Ðạo Phật


khl.jpg


 (Khổ Hạnh Lâm nơi  đức Phật Thích-ca từng tu khổ hạnh suốt 6 năm ảnh: UĐH)

Dòng tâm thức nối tiếp từng sát na sanh diệt liên tục luôn trôi chảy không ngừng, do đó tri giác không thế nào nắm bắt thực tại một cách toàn diện được. Tất cả sự vật được dung chứa trong không gian đều có lực cản của chính nó và bị trọng lực thu hút và ảnh hưởng của sáu đại khác, có thể gây thêm cho sự vật ấy di động với những tốc độ khác nhau và có thể làm tổn hại đến chính nó và các sự vật khác. Trung Không Diệu Hữu cũng có nghĩa là trong không gian chứa biết bao điều huyền diệu. Trong không gian dung chứa tất cả mầm sanh diệt hay không gian đồng hóa với mầm sanh diệt tức là không gian coi như là mầm sanh diệt, vô thường. Đoạn kiến và thường kiến  (Annihilation and Permanence), hay.tử và bất tử (Death and immortality) là một thực tại hai mặt không bao giờ rời nhau. Thực tại không bao giờ đi từ sự bất đông.

I. Thường Ðoạn Trong Một Thực Tại Hai Mặt

Theo Trung Quán Luận, thế giới hiện tượng nầy được coi là không thật mà cũng không giả, nhưng nó là bất khả xác định và bất khả minh chứng trên phương diện luận lý. Theo ngôn ngữ của ngài Long Thọ, tính cách bất xác định nầy của thế giới hiện tượng được gọi là đặc tánh duyên khởi của chư pháp hoặc là không tánh của chư pháp.

Ở đây, chúng ta thực sự đối diện với một nghịch lý hiễn nhiên và rất lý thú. Mỗi hiện tượng đều là bất xác định về luận lý; chúng ta không thể nói nó hiện hữu và không thể nói nó không hiện hữu, hoặc vừa hiện hữu vừa không hiện hữu. Khi các trường hợp nầy đều bị phủ định thì hiện tượng trở thành bất xác định, tức là trống không, nghĩa là không có bất cứ giá trị tuyệt đối nào. Vật tối hậu đó cũng là bất xác định và cũng không thể mô tả. Thật ra, cái tối hậu chính là không- tánh của mọi vật, mọi hiện tượng. Ði theo lối phân tích nầy, chúng ta sẽ hiểu rõ nghĩa hơn về ý nghĩa thâm sâu trong câu kệ sau đây của Ngài Long Thọ :

Thế gian không có gì khác Niết Bàn,

Và Niết Bàn không có gì khác với thế gian.

Giữa thái cực của Niết Bàn và thái cực của thế gian, không có một chút khác nhau nào cả.Tuyệt đối hay Niết bàn (thường kiến), và hiện tượng (đoạn kiến, hay vô thường) không khác nhau. Khi đứng trên điều kiện duyên khởi và lập trường đa nguyên tánh để xét thế gian nầy, bảo rằng nó có tính cách hiện tượng hay thế tục. Nhưng khi chúng ta không qui chiếu vào duyên khởi và đa nguyên tánh để xét thế gian thì nó được coi là Niết Bàn, là cái tối hậu. Cho nên, chúng ta thấy, thật ra việc chỉ trích phái Trung Quán về chuyện họ phân chia chân lý thành hai giai tầng là điều không công bằng. Hiện tượng chính là hình thức che dấu của tối hậu, nhưng nó không khác gì tối hậu. Vì vậy cần phải nhấn mạnh rằng thuyết không- tánh không bao hàm sự phủ nhận thế giới hiện tượng, mà chỉ bao hàm thái độ vô chấp đối với những hiện tượng, và không chấp nhận bất cứ lý thuyết nào nói rằng thế giới hiện tượng là thực một cách tối hậu (Thực Tại và Chí Ðạo, trang 66, 67).

*Tàng Thức và Tự Tính Tùy Thuộc (Paratantra): Theo Asanga tri nhận thực tại được đặt trên kiến thức về tự tính tùy thuộc hay duyên khởi. Tự tính giả lập (parikalpita) chỉ thể cách tri giác trong ấy tự tính tùy thuộc được thực hóa, trong khi tự tính tuyệt đối (parinispanna) chỉ ý thức giác ngộ nhìn tự tính tùy thuộc một cách trung thực như là hiển lộ phi thực tính của chủ thể và đối tượng. Do đó, trong Duy Thức tùy thuộc được giải thích là không phải là hiện hữu mà cũng không phải là không hiện hữu. Theo Asanga, tự tính tùy thuộc là thực tại thuần túy để chúng ta tri nhận, trong khi tự tính giả lập và tự tính tuyệt đối tượng trưng cho hai thể cách tri nhận thực tại nầy. Tóm lại, tự tính tùy thuộc chỉ duyên khởi trong phương diện thực tại/tri thức của nó, trong khi tàng thức tượng trưng cho nền tảng hiện thực và cơ cấu tác động của duyên khởi. Sự liên hệ giữa tự tính tùy thuộc và tàng thức thì hết sức là then chốt trong vai trò mà tàng thức đóng trong giải thoát luận của Asanga.(Thực Tại và Chí Ðạo, trang 97, 98)

II. Trong Ðoạn Có Thường

Trong Chuyện Cổ Phật Giáo, « Chuyện Nàng Bhadda », trích lời đối thoại giữa Xá Lợi Phất và nàng Bhadda về Thường Ðoạnnhư sau :

…Cho bần đạo hỏi một câu, với một câu thôi nàng sẽ tự giải quyết cho chính mình. Câu hỏi như thế nầy: Cáng của ngọn đèn trước mắt nó thường hay nó đoạn.

-- Chẳng phải thường -- Nàng nghĩ -- Thường sao được khi nó sinh diệt từng giây từng phút.  Chẳng phải đoạn, đoạn sao được khi nó đang hiện hữu!

Thấy nàng Bhađda im lặng, tôn giả Xá Lợi Phất tung câu hỏi thứ hai :

-- Này nàng Bhađda! đây là câu hỏi thứ hai nhằm gợi ý cho nàng để nàng bước ra khỏi cái lẩn quẩn, loanh quanh của các luận lý Thường, đoạn, có, không. Ðây là câu hỏi: Thuở nàng 5 tuổi, nàng thấy một bông hoa. Thuở 30 tuổi nàng thấy một bông hoa. Nàng có thay đổi cái hoa dẫu có khác, quan niệm đẹp xấu dẫu có khác, nhưng cái thấy của nàng có thay đổi không?

-- Không thể thay đổi, thưa tôn giả.

- Nó chẳng phải là thường không?

-- Bất khả thuyết -- Nàng Bhađda buộc miệng trả lời như vậy rối tự nghĩ: Ta đã tự trói mình, vậy thì hãy vùng vẫy khi còn vùng vẫy được. Gã Sa Môn nầy đã bủa vây ta bằng một chiếc lưới quá kiên cố và quá chặt chẻ. ..(Thực Tại và Chí Ðạo, trang 122, 123)

III.  Thường Ðoạn Là Dòng Lưu Chuyển Sinh Diệt

TÁNH KHÔNG & DUYÊN KHỞI HAY THỰC TẠI GIẢ LẬP 

1).Duyên Khởi Từ Vật Chất 

Hiện tượng vô thường của sự vật hiện hữu do nhân duyên kết hợp, do đó chúng không có lúc nào tự mình độc lập tồn tại. Rõ ràng chúng có sanh ra thì có lúc phải hủy diệt vì lẽ có sự trao đổi vật chất và năng lượng với môi trường chung quanh. Trong vật lý học, việc bảo tồn năng lượng cho biết năng lượng không sanh ra và không biến đi mà chỉ có thể thay đổi. Khi sự giao lưu năng lượng và vật chất của mỗi hữu thể với bên ngoài, hữu thể đó tạm thời ổn định cân bằng vì phải tiêu tán năng lượng và vật chất, nên thay cũ đổi mới để tồn tại. Sự trao đổi vật chất và năng lượng của hữu thể trong không gian là lịch trình sanh trụ hoại diệt. Sự giao lưu vật chất và năng lượng của xác thân con người với bên ngoài được tạm thời hiện hữu là lịch trình sanh lão bịnh tử. Sự vật hiện hữu do duyên họp, khi duyên tan thì hoại không, theo lý Duyên Khởi của Ngài Long thọ. Còn sự vật tạm thời hiện hữu gọi là Thực Tại Giả Lập theo Duy Thức Học của Ngài Vô Trước.

2).Duyên Khởi Từ Vật Chất Đến Phi Vật Chất 

Sự giao lưu năng lượng và vật chất với bên ngoài nên bản thân sự vật không những lệ thuộc vào nhân duyên nội tại mà phải bị ảnh hưởng nhiều bởi môi trường ngoại giới. Như ảnh hưởng vật chất (thức ăn) đến sinh lý con người, mà sinh lý ảnh hưởng đến tư tưởng tình cảm và hành động. Hệ thống cân bằng sinh lý của con người được tạm thời ổn định là lịch trình tiêu tán của trạng thái đau khổ và khoái lạc. Lý Duyên Khởi được nhận thức sâu sắc qua Tứ Đế:Tập (nhân) Khổ (quả), Đạo (nhân) Diệt (quả), và Thập Nhị Nhân duyên. Ngay Lục Căn trong Sắc Thân của Ngũ uẩn cũng cần được phân tích theo Tâm lý học để làm sáng tỏ lý Duyên Khởi, là Thực Tại giả lập, là Tánh Không hay là sự vật đều không có Tự Tánh.

IV.  Cái Thường Thật Có Trong Cái Ðoạn

Riêng Ðại Thừa Khởi Tín thì chỉ rỏ 2 mặt của chân như: bản chất  không (chơn không) của mọi hiện tượng mà vẫn có sự tồn tại của các pháp (diệu hữu), nghĩa là Đại thừa chỉ dương thống hợp cả hai quan niệm đó mà chủ trương Chân không tức Diệu hữu. Đó là chỗ lập cước căn bản của Đại thừa. Dĩ nhiên, về triết học Đại thừa, cũng có người chỉ thiên về phương diện Chân Không mà lập thành thế giới quan nhưng cũng có người phản đối chủ trương ấy mà nghiêng về phương diện Diệu Hữu để khảo sát các hiện tượng.Tuy có những chủ trương tương phản đó, nhưng bất luận chủ trương nào cũng đều thừa nhận rằng: Chân Không không ngoài Diệu Hữu và ngược lại. Nghĩa là khi đã đạt đến tuyệt đối thì Chân Không là Diệu Hữu, Diệu Hữu tức Chân Không. Đó là điểm cộng thông của tất cả các Bộ phái Đại thừa.

V. Thực Tại Ðiểm (Thường) Thật Có Trong Cái Ðang Là (VôThường)

Trong Kinh Nhất Dạ Hiền Giả, đức Phật dạy rất rõ, vì cái thường kiến lưu chuyển theo thời gian (tam thời bất khả đắc), nên muốn nắm bắt cái đoạn kiến (thực tại), thì tuệ quán ngay cái không động không rung chuyển, như đoạn kinh trích sau đây:

“Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại

Tuệ quán chính ở đây.

Không động không rung chuyển

Biết vậy nên tu tập,..”

Thời gian huyễn hóa. Quá khứ đã qua và đã đoạn tận, tri giác không thể nhận diện., nên không truy tìm. Tương lai chưa đến, đối tượng không có mặt làm sao cảm nhận được, nên không ước vọng trong tương lai. Hiện tại là thời gian đang trôi chảy nối tiếp những điểm li ti sát na sanh diệt, là cái Đang Là, không nắm bắt được. Tam thời bất khả đắc, nên Phật dạy, quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, và không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại. Nhưng chỉ có pháp hiện tại, thì Tuệ Quán mới có thể nắm bắt đựợc. Tuệ quán được hiển lộ thực sự trong chuyển động của pháp hiện tại (trong động tác đang là). Trong động tác đang là cuả pháp hiện tại nối tiếp những điểm sát na sanh diệt. Nhận thức ngay thực tại điểm của tri giác nguyên sơ và liền xa lìa nhận thức đó. Tri giác nguyên sơ là chơn thức vừa cảm nhận (vừa sanh) là vừa nhận biết thì chơn thức ấy (giác thức nguyên sơ) biến thành Giác Trí, nên gọi là Chơn thức sanh mà vô sanh vì điểm sát na sanh mà không bị diệt, do mủi tên Tuệ quán nhắm trúng và đã chuyển thức thành trí rồi. Cho nên Phật dạy, Tuệ Quán ở nơi pháp hiện tại, không động không rung chuyển. Tuệ quán là tri nhận một cách sáng suốt, vô thời gian. Vì lẽ chơn thức (tri giác nguyên sơ) là một điểm nhận thức có thật trong động tác nhận thức đầu nguồn của tri giác. Thực tại điểm nầy thì không động, không rung chuyển vì một điểm có thật một cách toàn diện không thêm không bớt, chính nó là nó ở đó và lúc đó (vô thời không). Vậy tri nhận thực tại điểm của giác thức nguyên sơ, chúng ta có tri thức nguyên thủy của chân trí. Thí dụ, khi gặp con bò đang đi, ta nhận diện hình ảnh con bò đầu tiên khi thấy nó (cảm giác: first sensation), nhận biết (perceive) tên con bò là nhản thức nguyên sơ (first visual consciousness,  hay chơn thức: pure perception; gọi chung là tâm thức nguyên sơ); tri nhận nhản thức đó là ta có tri thức nguyên thủy (pure cognition) cuả chân trí (True mind without time). Nói khác đi, khi ta thấy (niệm đầu) con bò (perception), ta biết có tánh thấy (cognize the pure perception). Vì không có thời gian kéo dài cái tri thức nguyên thủy đó nữa nên niệm đầu (thực tại điểm) của dòng tâm thức đang lăn trôi (cái đang là), nên không có trí và thức liên hợp, tư tưởng, hay khái niệm gì về con bò cả). Đó mới thật sự Giác Ngộ mọi sai lầm của Tri Giác và Giải Thoát khỏi dòng bộc lưu sanh tử, hay nói cách khác là vượt khỏi dòng sanh diệt hay thường đoạn  của thế gian.

 VI. Kết Luận

Thường đoạn đang lưu chuyển từng sát-na sanh diệt theo thời gian, nên chúng ta nhận thức thực tại một cách sai lầm. Muốn tri thức đúng cái nhận thức sai lầm nầy, chúng ta cần phân biệt rõ rằng thế giới hiện tượng nầy và bản chất của nó không khác. Chẳng hạn, Chơn Không Diệu Hữu là không tướng (bản chất) các pháp (hiện tượng) cũng là sự “ Sinh diệt của Tâm là do Như lai tạng mà có tâm sinh diệt. Tâm sinh diệt ấy hóa hợp bất diệt và sinh diệt một cách không phải đồng nhất cũng không phải biệt lập, và gọi là a lại da thức. A lại da thức có hai mặt, bao gồm và phát sinh tất cả các pháp; hai mặt ấy là tuệ giác và bất giác. “Bản chất và hiện tượng tuy hai mà một. Cái bất biến thường hằng thật có trong cái lưu chuyển vô thường. Nói cho cùng Chân như của Tâm là pháp tánh đồng nhất, cơ sở của tiết mục giáo pháp Phật dạy về khái niệm vĩ đại và tổng quát,  Pháp tánh ấy là tâm thể phi sinh diệt. Hết thảy các pháp  chỉ do phân biệt mà có sai biệt, tách rời phân biệt thì đối tượng cũng không có. Do vậy mà biết các pháp xưa nay phi ngôn ngữ, phi văn tự, phi nhận thức, tuyệt đối nhất quán, không hề chuyển biến, không thể phá hủy, toàn là tâm thể đồng nhất nên mệnh danh chân như. Mọi ngôn ngữ đều không thực chất, chỉ tùy phân biệt chứ không có gì có thể thủ đắc. Gọi là chân như thì cũng không phải là một đối tượng, mà là ngôn ngữ tột đỉnh, do ngôn ngữ ấy mà hủy bỏ ngôn ngữ. Nhưng chân như thì phi hủy bỏ, vì các pháp toàn là chân, lại phi xây dựng, vì các pháp toàn là như. Phải hiểu các pháp phi diễn tả, phi phân biệt, đó là chân như.”

 Tham khảo

Ðại Thừa Thuyết Luận. Phổ Nguyệt. Trích trong Tang Thư Phật Học. http://www.tangthuphathoc,net.

 Kinh Nhất dạ hiền giả. HT. Thích Minh Châu Việt dịch. Trích trong website Quảng Ðức: http://www,quangduc.com

Nhất Nguyên Luận. Phổ Nguyệt. Trích trong Tạng Th ư Phật Học:

Thực Tại và Chí Ðạo. Phổ Nguyệt, 2002, in tại Ðường Sáng Printing San Jose CA và đăng trong website Tạng Thư Phật Học.