Kim cương, những điều bạn chưa biết


Blue Hope viên kim cương nổi tiếng nhất trong lịch sử Lộng lẫy và sang trọng với câu slogan nổi tiếng "Diamond are forever", kim cương thể hiện một vẻ đẹp rực rỡ, bền bỉ và đầy lãng mạn. Từ lâu kim cương được dùng để trang hoàng cho nhiều vương miện và giúp tôn vinh giá trị cho những ai sở hữu nó. Thế nhưng ít người biết rằng mãi đến thế kỷ 20, nó mới chính thức được công nhận là loại đá quý hiếm. 
 
Cội nguồn Kim Cương 
 
Thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, kim cương không được xem là đồ trang sức mà chỉ được biết đến là một vật cứng chịu được lửa và sự va chạm mạnh. Các thợ bạc Trung Quốc, Hy Lạp và La Mã đã dùng kim cương như một dụng cụ để khắc đồ trang sức. Kim cương mang đầy vẻ huyền bí khi mọi người rỉ tai nhau rằng nó có thể bảo vệ người đeo chống lại ma quỷ.
 
Kim cương lần đầu tiên được tìm thấy ở Ấn Độ hơn 4000 năm trước đây. Đó là những viên đá có vẻ đẹp óng ánh kỳ diệu trộn lẫn trong cát và sỏi ẩn dưới lớp phù sa ở lòng sông. Bao thế kỷ qua, nó được xem như chứa chững huyền năng thiêng liêng vô biên vì niềm tin tôn giáo mà người ta quý trọng và thờ phụng nó.
 
Vì vậy thuở ban đầu người ta vẫn lưu giữ nó như hình dạng nguyên thủy khi tìm được mà không hề dám cắt bỏ hay sửa đổi nó. Vì kim cương được xem như bùa hộ mạng linh thiêng, nên nó đã có sức quyền rũ và giá trị vạn năng ngay từ lúc tiên khởi. Trong thế giới của người Ai Cập cổ đại, chúng là biểu tượng của quyền lực tuyệt đối của con người và của vũ trụ. Còn trong suốt thời kỳ trung cổ, chúng là biểu tượng của những người đàn ông dũng cảm và có bản lĩnh kiên cường.
 
Khi xã hội loài người tiến hóa hơn, đến thế kỷ thứ 11, kim cương được mài, cắt theo nhu cầu trang sức khi người ta đeo nó.
 
Nhưng mãi đến thế kỷ thứ 13 kim cương mới chính thức được đưa vào lĩnh vực trang sức cần làm biến dạng cho đúng với kích thước của những vật dụng theo nhu cầu trang sức và sự mua bán, đổi chác theo giá trị của nét đẹp có nét thu hút con người.
 
Đến đầu thế kỷ 16, Antwerp đã trở thành thủ đô của ngành công nghiệp chế biến kim cương của thế giới. Hơn một nửa lượng kim cương mậu dịch trên thị trường quốc tế qua ngã thành phố của vương quốc Bỉ này mà doanh thu hàng năm lên đến 23 tỉ USD. Kim cương thô từ các nơi đổ vô đây sau khi thỏa thuận giá cả, được đưa vào lưu giữ trong 160 hầm ngầm dưới đất. Ngoài nguồn kim cương từ khai thác các mỏ ở Nam Phi, Úc và Nga...còn có cả nguồn kim cương từ thị trường chợ đen, ám chỉ nguồn kim cương máu xuất phát từ các cuộc tranh giành trong cuộc nội chiến ở Sierra Leone và CHDC Congo ở châu Phi.
 
Đến năm 1867, người ta tìm thấy Eureka - viên kim cương Nam Phi đầu tiên nặng 21,24 carat và sau đó không lâu là một viên kim cương trứ danh "Ngôi sao châu Phi" nặng đến 83,50 carat.
 
Tin tức lan đi nhanh chóng, giới khai thác kim cương từ khắp thế giới đổ xô vào khai thác các mỏ kim cương đầu tiên ở Nam Phi. Lúc bấy giờ, nhu cầu dùng kim cương làm đồ trang sức trở nên khá phổ biến ở châu Âu và đến cuối thế kỳ 19 thì bùng phát mạnh.
 
Giữa những năm 1870, kim cương bị mất giá và chớp ngay thời cơ, Ceril Rhodes - nhà sáng lập tập đoàn kim cương lớn nhất thế giới De Beers - đã mua lại hầu hết các mỏ kim cương ở Nam Phi và biến chúng thành một vương quốc kim cương. Thế nhưng thế độc quyền của ông nhanh chóng bị lung lay vào năm 1905 do việc phát hiện ra kim cương lớn nhất thế giới Cullinan (3.106 carat chưa cắt) nằm ở phía bắc lãnh thổ của ông. Năm 1929, Ernest Oppenheimer nắm quyền kiểm soát De Beers và chẳng mấy chốc độc quyền trong việc kiểm soát các mỏ kim cương lớn ở Nam Phi.
 
Trong thời đại suy thoái kinh tế (thập niên 30), thay vì bán những viên kim cương với giá thấp, Oppenheimer đã trữ chung lại và kiên nhẫn chờ qua thời khủng hoảng. Sau khi Oppenheimer chết, con trai ông là Harry lên kế nghiệp và với sự trợ giúp của một công ty quảng cáo Mỹ, khẩu hiệu nổi tiếng ra đời: "Kim cương là vĩnh hằng".
 
Kim cương - biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu
 
Qua bao thế kỷ thăng trầm, ngày nay, kim cương vẫn tiếp tục nắm giữ sức mê hoặc đến kỳ diệu, là một biểu tượng bất diệt của tình yêu.
 
Sự hiếm có của những viên đá và những đặc tính tự nhiên của nó được kết hợp lại tạo thành món quà đặc biệt có sức hấp dẫn lạ kỳ. Chính vì cái trị giá cao quý đó nên khi con người yêu nhau, người ta trao tặng nhau kim cương khi hứa hôn, trong đám cưới hay cho các dịp kỷ niệm như là một quy ước chung toàn cầu. Và nơi nào con người yêu nhau, kim cương xuất hiện như báu vật chứng giám cho tình yêu đôi lứa. Người ta thường đeo nhẫn cưới hoặc nhẫn đính hôn ở tay trái nơi mà người ta cho rằng có những mạch máu chạy thẳng đến từ trái tim.
 
Năm 1953, tổng thống John F. Kennedy đã trao nhẫn cưới 2 carat cho cô dâu Jacqueline Bouvier.Chiếc nhẫn ông hoàng Rainier của xứ Monaco trao tặng cô dâu là nữ tài tử điện ảnh Grace Kelly, có gắn viên kim cương 12 carat. Nam danh ca Elvis Presley trao nhẫn cưới cho cô dâu Priscilla 3,5 carat bao xung quanh nó là 21 hạt xoàn bé hơn. Mùa xuân năm 2005 trong lễ dạm hỏi siêu mẫu Melania Knauss, nhà tỉ phú Donald Trump đã tặng nàng chiếc nhẫn kim cương 15 carat có giá thị trường lên tới gần 2 triệu đô la. Trước khi công nương Diana qua đời, người tình nhân Dodi Fayed tặng nàng chiếc nhẫn kim cương trị giá 200.000 USD.
 
Cũng tại vương quốc Anh hoàng tử Edwards tặng người đẹp Sophie Rhys-Jones trong buổi lễ cầu hôn món quà chứng minh tình yêu là một chiếc nhẫn kim cương trị giá 255.000 USD. Điều đó khẳng định một điều rằng khi yêu nhau người ta muốn chứng minh sức nặng của tình yêu và kim cương vẫn mãi mãi tượng trưng cho mẫu mực thanh tao, quý phái của loài hoa yêu đương có giá trị cao sang cho muôn vàn huyền thoại. 
 
Chất lượng và chế tác
 
Thời kỳ đầu, chất lượng của viên kim cương được đánh giá theo tiêu chí 4 C: Carat (trọng lượng), Color (màu sắc), Clarity (độ sáng trong) và Cut (vết cắt).
 
Trong khi không dễ gì tìm ra một viên kim cương có màu trắng tinh khiết (không màu) thì một số viên kim cương có màu sắc lại được xem có giá trị hơn. Kim cương màu đỏ và xanh lại càng hiếm. Chẳng hạn, viên kim cương màu đỏ Raj Red ở Ấn Độ tuy chỉ có 2,30 carat nhưng được định giá đến 42 triệu USD. Viên kim cương xanh Dresden nặng 40,70 carat ở Đức là độc nhất vô nhị với màu xanh rực rỡ và đã "sống sót" qua đợt ném bom thành phố Dresden trong thế chiến thứ 2.
 
Hàng thế kỷ qua, kim cương bị giới hạn ở một số kiểu cắt như kiểu cắt 8 mặt ở thế kỷ 16; kiểu Mazarin thế kỷ 17, Perruzi thế kỷ 18 và kiểu lục giác của thế kỷ 18-19. Ngày nay thì đa dạng hơn với kiểu cắt tròn, kiểu ngọc bích, hình thoi, hình vuông, oval, hình trái tim, quả lê...
 
Sự phát triển các kiểu chế tác của kim cương
 
Ngày 26/1/1905, một tin nóng hổi và gây chấn động toàn cầu là trong cuộc thám hiểm của Thomas Cullinan ở gần Pretoria, người ta đã phát hiện ra một viên kim cương thô khổng lồ nặng 621g (31.106 carat), dài 11cm. Và cho dù hơn một trăm năm đã qua và dù người ta đã có thêm nhiều kỹ thuật dò tìm hiện đại, công cụ đào bới hiệu nghiệm, nhưng vẫn chưa tìm thấy được viên kim cương nào có thể lật đổ ngôi vị của viên Cullinan.
Vào năm 1907, viên kim cương này đã trở thành món quà sinh nhật của viên toàn quyền miền Transvaal dành cho vua Edouard VII. Và được sự nhờ cậy của vị vua này, ngày 10/2/1908, Joseph Asscher, một thợ cắt kim cương nổi tiếng thế giới thời đó đã bắt tay vào việc chế tác viên kim cương thô vĩ đại này, 9 viên kim cương sáng giá khác đã ra đời. Nổi nhất có Cullinan 1 (530 carat) được đặt tên là "ngôi sao lớn Châu Phi", viên Cullinan 2 (317 carat) thì trở thành "ngôi sao Lesser châu Phi".
 
Trong lịch sử có rất nhiều viên kim cương nổi tiếng. Nhưng có lẽ viên kim cương Cullinan hiện được trưng bày trong London Tower vẫn được công nhận là viên kim cương lớn nhất thế giới.
 
Tiếp đến là viên Orloff - một trong những viên kim cương hấp dẫn và lớn nhất thế giới. Nó trọng như một nửa quả trứng và nặng 199,80 carat. Một số người tin rằng đây chính là viên Great Mogul, đã biến mất một cách bí mật khỏi Ấn Độ vào năm 1739, một số người khác thì cho rằng viên kim cương này trước đây là con mắt của một tượng thần Hindu bị đánh cắp khỏi một đền thờ ở Ấn Độ. Bá tước Nga Gregory Orloff đã dâng tặng nó cho Hoàng hậu Catherine II với hy vọng rằng bà có thể phục chức cho ông tại triều đình.
 
Ngoài ra còn có viên kim cương Hope nặng 54,52 carat được xem là của hiếm vì có màu xanh đậm và truyền thuyết đầy ly kỳ của nó. Tương truyền nó bị dánh cắp từ một tượng thần Ấn Độ cách đây 300 năm và thường gây ra tai ương cho những ai sở hữu nó. Nhiều người tin rằng đây là một phiên bản đã được mài giũa và ngụy trang của viên French Blue - một phần trong vương miện Hoàng đế Pháp bị mất cắp vào năm 1792. Nó hiện được trưng bày tại viện Smithsonian và lấy tên theo Henry Philip Hope, một chủ nhà hàng ở London nổi tiếng về sưu tập các tác phẩm nghệ thuật và đá quý. 
 
Viên Blue Hope rất đẹp đã trải qua cuộc phiêu lưu kỳ bí nhất và cũng được coi là viên kim cương "nguy hiểm" nhất bởi những ai sở hữu nó trước sau đều gặp tai họa.
 
Sau khi trở thành vật sở hữu của nhà thám hiểm thế giới Jean-Baptiste Tavernier, viên kim cương này được coi là món nữ trang ưng ý nhất của Vua Mặt Trời Louis XIV. Lúc qua đời, nhà vua có đeo nó trong người.
Rồi nó trở thành nữ trang của hoàng hậu Marie-Antoinette cho đến khi bà bị chặt đầu cùng chồng và các con. Sau đó, người thấy nó trong tay của nhà quý tộc trẻ người Anh, ngài Hope. Nhưng chỉ một thời gian ngắn kể từ ngày có nó trong tay, ông đã tán gia bại sản. Blue Hope sẽ còn đem đến cái chết bi thảm cho những người sở hữu nó sau này. Công chúa Nga Kanitovksi giao nó cho một người bạn là một nữ diễn viên ở Paris thì cô này bị ám sát chết. Blue Hope còn khiến một chủ nhân kim hoàn ở New York bị phá sản, một ông vua Ả Rập bị truất phế, rồi mới rơi vào tay gia đình McLean ở Mỹ.
 
Họ nhờ linh mục thực hành phép trục xuất ma quỷ ra khỏi Blue Hope nhưng không nhờ vậy mà ông McLean không tránh bị hóa điên và rồi con trai ông tự sát chết. Có tin đồn rằng viên Blue Hope thật đã chìm sâu vào lòng đại dương cùng với con tàu Titanic hồi năm 1912 cùng với chủ nhân cuối cùng của nó.
 
Trong cuộc đua tranh về carat thì viên Golden Jubilee giữ kỷ lục với 545 carat, nhưng viên President Vargas (726 carat lúc còn ở dạng thô) tìm thấy ở Brazil năm 1938 hoặc viên Koh-I-Noor (600 carat ở dạng thô) có xuất xứ từ Ấn Độ cũng hiện diện trong bảng vàng liệt kê những viên kim cương lớn nhất thế giới. 
 
Nhưng viên Koh-I-Noor, sau khi chuyển qua nhiều chủ nhân ở nhiều nước khác nhau và nay thuộc hoàng gia Anh, thì nổi tiếng có độ sáng lấp lánh số một thế giới (Koh-I-noor theo tiếng Ấn Độ có nghĩa là Núi Ánh Sáng). Mỗi viên kim cương lớn, đẹp và đắt giá nhất thế giới có một bề dày lịch sử rất đáng nể. 
 
Chặng đường lịch sử của viên Sancy (55 carat) có thể coi là sự tập trung lịch sử của nước Pháp. Người chủ sở hữu đầu tiên của nó Charles le Téméraire nhưng rồi ông đã để mất nó trong cuộc đại bại trước đoàn quân Thụy Sĩ vào năm 1476.
 
Một thế kỷ sau, nó xuất hiện trên tay của lãnh chúa Sancy, đại sứ Pháp tại Constantinople. Chính với viên kim cương này mà ông đã giúp Henry IV lên ngai vàng rồi mới bán nó cho vua Anh Jacques đệ nhất.
Sau đó, nó lần lượt qua tay nhiều chủ nhân khác, trong đó có cả Hồng y Mazarin, vua Louis XV, bọn cướp, một nhà quý tộc Anh trước khi được bảo tàng Louvre mua lại vào năm 1976. Chỉ riêng việc tìm cách chuyển viên kim cương này sang cho Jacques đệ nhất cũng đã khiến máu phải chảy. Bọn cướp biết tin đã phục kích và giết chết người đầy tớ của lãnh chúa Sancy nhưng không tìm được viên kim cương quý báu đó. Lãnh chúa nghe tin dữ đã đến nơi và mổ bụng đầy tớ thì thu hồi được vật quý.
 
Viên kim cương Sancy
 
Được trưng bày trong bảo tàng Louvre ở Paris, viên Régent được xem là viên kim cương có màu trong nhất thế giới. Trong khi đó, viên Golden Jubilee nặng 545 carat được giới chuyên ngành mài giũa kim cương cho là viên kim cương lý tưởng nhất do các mặt cắt của nó đều có cạnh rất chính xác.
 
Viên Régent (140 carat, dài 30 mm, ngang 29 mm, tìm được tại Golconde năm 1698 lúc đầu ở dạng thô là viên đá quý khổng lồ 426 carat) cũng có lịch sử "ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh". Được tìm ra ở Ấn Độ, nó bị một nô lệ lấy trộm. Hắn giấu nó dưới lớp băng vết thương mà hắn đã tự gây ra. Nhưng rồi tên nô lệ này bị chính viên sĩ quan tháp tùng bảo vệ kim cương giết chết.
 
Viên kim cương Régent
 
Sau đó, nó còn bị đánh cắp vào năm 1792, nhưng rồi được tìm thấy trong một cái hố mà bọn cướp đã đào ngay dưới đại lộ Champs Elysées ở Paris. Thời quân Đức chiếm đóng nước Pháp trong những năm Thế chiến II, người ta đã đem nó từ bảo tàng Louvre đến cất giấu trong lâu đài Chambord, trong lớp vữa trát tường phía sau một ống khói lò sưởi. Nó từng là vật quý của Philippe D'Orléans từ năm 1717, rồi thuộc các vua Pháp từ Louis XV đến Charles X. 
 
Đầu năm 1866 người ta lại tìm thấy vô số kim cương tại châu Phi như tại Nam Phi, các xứ Nambia, Angola, Ghana,, Sierra Leone, Tanzania, Congo, Guinea, Ivory Coast, Liberia, Cộng Hòa Trung Phi (xứ của nhà vua tự phong Bokassa) và Botswana có lượng nhiều và chưa hề được khai phá, khiến người châu Âu ồ ạt đổ xô sang khai phá. Từ đó sản lượng kim cương do châu Phi cung ứng, nhất là Nam Phi hầu như không nơi nào địch nổi.
 
Đến 1954, người Nga tìm thấy dưới lòng đất vùng Siberia có trữ lượng kim cương tiềm tàng khá cao. Cho đến nay thì bờ phía tây của Canada được xem như nơi mới nhất người ta khám phá ra có trữ lượng kim cương đáng kể. Tuy vậy nhưng châu Phi vẫn là nơi có kim cương quý giá nhất theo những nghiên cứu về địa chất và đá quý. Năm 1979 người ta tìm thấy kim cương ở châu Úc, tuy rằng không nhiều như Canada và những nơi khác.
 
Kim cương và các vụ trộm thế kỷ
 
Vụ trộm kim cương lớn nhất thế giới và táo bạo nổi tiếng nhất xảy ra hôm 27/9/2004 tại Paris. Hôm ấy, phu nhân Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin đến cắt băng khai trương Hội chợ triển lãm đồ cổ Paris (tổ chức hai năm một lần).
 
Trong lúc mọi người hân hoan, bọn trộm đã phá tủ kính lấy đi một viên kim cương 47 carat trị giá 6 triệu euro và một món nữ trang kim cương khác (30 carat) giá 5,5 triệu euro. Chiều ngày 27/10/2004, lợi dụng lúc đông người bọn tội phạm đã sử dụng một thiết bị cắt kính cầm tay, phá một góc của một quầy bán kim hoàn của Trung tâm mua bán đá quý và đồ cổ Biennale (Paris) rồi lấy đi nhiều viên kim cương có tổng trị giá 15 triệu euro, trong đó có một viên kim cương 47 carats trị giá 6 triệu euro và một viên khác có trọng lượng 33 carats trị giá 5,5 triệu euro.
 
Vụ trộm tại La Haye
 
Trước đó, đầu năm 2004, tại thành phố La Haye của Hà Lan đã xảy ra một vụ cướp đá quý táo tợn. Một nhóm tội phạm di chuyển trên ba chiếc xe đột nhập vào Viện Bảo Tàng lịch sử tự nhiên của thành phố La Haye và cướp đi 1.3 số nữ trang, đá quý của Hoàng gia Bồ Đào Nha đang trưng bày tại đây, trong đó có 4 viên kim cương trị giá trên 5 triệu euro mỗi viên.
 
Vụ trộm tại Antwerp (Bỉ)
 
Nhưng vụ trộm kim cương nhân ngày Tình yêu năm 2003 mới còn độc đáo hon nhiều. Bọn cướp đã đột nhập vào Bourse D'Anvers (được xem là thánh địa của kim cương) lấy được 150 tủ sắt chứa số nữ trang trị giá 120 triệu euro. Thì ra chúng đã đến thành phố này mở công ty ma để theo dõi công việc vận chuyển và bảo vệ kim cương ra sao từ trước đó ba năm.
 
Một cuộc điều tra quy mô của cảnh sát Bỉ có sự phối hợp của Europol và cảnh sát nhiều quốc gia châu Âu được triển khai sau đó đã bắt giữ được 4 tên trong nhóm cướp kim cương, trong đó có hai tên mang quốc tịch Bỉ, một tên mang quốc tịch Albanie và một mang quốc tịch Ba Lan tại một xa lộ sát biên giới Bỉ và Đức. Cho dù phải chịu nhiều cuộc thẩm vấn cùng với việc hứa hẹn được giảm tội nếu chịu khai ra đồng bọn, nhưng cả 4 tên tội phạm vẫn không tiết lộ bất cứ thông tin gì liên quan đến tổ chức vụ cướp cũng như đồng bọn.
 
Theo đánh giá của Europol (Cảnh sát Liên minh châu Âu) chỉ trong năm 2004, tại 5 quốc gia là Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia và Anh đã xảy ra tất cả 96 vụ cướp đá quý, trong đó chủ yếu là kim cương, trị giá đến 247 triệu euro. Theo một quy ước ngầm, các đường dây tiêu thụ kim cương sẽ do một hay nhiều "bố già' đảm nhiệm, những tên này sẽ di chuyển khắp nơi nhằm tránh sự theo dõi của cảnh sát, vừa gom hàng và thanh toán tiền cho bọn trực tiếp tổ chức cướp.
 
Vụ trộm kim cương ngày 4/12/2008 tại Harry Winston
 
Và gần đây nhất vụ trộm kim cương ngày 4/12/2008 tại cửa hàng Harry Winston ở Paris, Pháp, cướp đi số lượng lớn nhẫn kim cương và vòng tay có tổng trị giá lên tới 102 triệu USD. Đây là một trong những vụ cướp đồ nữ trang lớn nhất thế giới.
 
Vụ án xảy ra vào đầu giờ tối ngày 4/12 trong khi nhân viên an ninh cùng các camera quan sát vẫn đang hoạt động. Cửa hàng này nằm tại một trong những khu mua sắm hạng sang của Paris gần đại lộ Champs-Elysees. Phát ngôn viên phòng công tố Paris, Isabelle Montagne cho biết những tên cướp đã đe dọa toàn bộ 15 nhân viên bằng súng ngắn và đánh vào đầu một số người. Chúng ép họ giao nộp số trang sức đang trưng bày và cất giữ trong két sắt. Nhóm trộm này trao đổi với nhau bằng tiếng nước ngoài và biết tên của các nhân viên.
 
Montagne cho hay chỉ có một khách hàng đang có mặt tại Harry Winston khi xảy ra sự cố và rất may không có ai bị thương. Bà nhận xét vụ trộm này được tổ chức "rất hoàn hảo" và tiết lộ ba trong số bốn tên trộm đóng giả phụ nữ và đội tóc giả. Cảnh sát Pháp cũng tuyên bố đây là một trong những vụ trộm trang sức lớn nhất trên thế giới.
 
Các điều tra viên đã nghiên cứu cuộn băng ghi lại toàn bộ vụ trộm tại cửa hàng và nghi ngờ một nhóm có tên "Pink Panthers". Interpol từng cáo buộc tổ chức này có liên quan đến các vụ trộm nữ trang tại 19 nước ở châu Âu, châu Á và vịnh Persian. Ước tính chúng đã cướp được hơn 150 triệu USD trong vòng 10 năm qua.
 
Trong khi đó, phát ngôn viên của hãng Harry Winston, Rhonda Barnat, cho biết mối quan tâm hàng đầu của họ là sự an toàn của các nhân viên và họ đang tích cực hợp tác với giới chức để điều tra vụ việc. 
 
Cửa hàng Harry Winston nơi vụ trộm xảy ra hôm 4/12/2008


Thông tin liên hệ

Điện thoại: 0389.977.999
Hotline     : 0389.977.999
Email: phongthuysongha@gmail.com
Địa chỉ: Trung tâm Thương mại Hyundai - Tô Hiệu - Hà Đông - Hà Nội - Việt Nam


Xem lịch âm
Tháng     Năm  

Liên kết nhanh

Website liên kết: https://topchuyengia.vn